Thoạt nhìn từ ngoài phố, nếu không nhận ra những chiếc quạt cổ nằm trong tủ kính thì tôi cứ nghĩ đây là cửa hiệu đồng nát. Khi trò chuyện với ông, tôi mới hiểu niềm đam mê của một người chơi đích thực. Ông là Lê Tấn, một trong những người chuyên sửa chữa, sưu tầm và chơi quạt cổ.
Ông Tấn bên những chiếc quạt cổ. (Nguồn: Internet) |
Thoạt nhìn từ ngoài phố, nếu không nhận ra những chiếc quạt cổ nằm trong tủ kính thì tôi cứ nghĩ đây là cửa hiệu đồng nát. Khi trò chuyện với ông, tôi mới hiểu niềm đam mê của một người chơi đích thực. Ông là Lê Tấn, một trong những người chuyên sửa chữa, sưu tầm và chơi quạt cổ.
Ấn tượng Marelli
Từ tầng một ngược lên tầng hai và dẫn vào phòng ngủ của ông Tấn, chỗ nào cũng thấy quạt. Anh bạn đồng nghiệp nói vui: "Những ngày nóng nực nhất ở Hà Nội, nếu vào nhà bác chúng cháu sẽ tưởng tượng ra mình đang đứng trước biển, bởi chỗ nào cũng có gió."
Trong căn nhà nhỏ ở 26 phố Hàng Bồ, ông Tấn dành khoảng lớn để kê những kệ sắt chắc nịch, trên giá là những chiếc quạt của Italy, Hà Lan, Pháp… hiện hữu như những người bạn.
Mang bộ sưu tập quạt Marelli vào dạng "cổ nhất" Hà Nội bày giữa nhà để "khoe" với khách, ông nói: "Tôi rất ấn tượng với quạt Marelli của Italy bởi nó bền và kiểu dáng rất đẹp."
Ông kể, những chiếc Marelli mà ông sưu tầm và sửa chữa có tuổi đời hơn 100 năm, nghĩa là nó đồng hành cùng người dân đất Kẻ chợ từ những năm Hà Nội bắt đầu có tàu điện leng keng. Hãng Marelli đã sản xuất quạt từ khi loài người phát minh ra điện và ngừng sản xuất không lâu sau đó. Vì vậy những chiếc còn lại không chỉ quý ở Việt Nam, mà với các nước khác cũng có giá trị lịch sử to lớn.
Theo ông Tấn, thương hiệu quạt Marelli được lấy tên của chính ông chủ phát minh ra chúng vào khoảng những năm 1890-1893 ở thành phố Manino của Italy. Những chiếc quạt cổ đó độc đáo ở việc dùng dòng điện một chiều và có cả chổi than để vận hành (khi đó với những chiếc quạt này tuốc năng vẫn còn là điều xa lạ). Những chiếc quạt Marelli chính là do những người Pháp mang đến Việt Nam. Họ cũng đem vào những chiếc quạt mang nhãn hiệu Peugeot của Pháp từ những năm đầu thế kỷ đó. Nhưng theo ông Tấn thì những chiếc có giá trị vẫn là của hãng Marelli.
Duyên nợ với nghề
"Những lúc mới sưu tầm, tiền sửa chữa quạt được bao nhiêu, tôi lại mua quạt hỏng về để đó. Lúc đầu vợ con cũng phản đối kịch liệt, họ hàng cho rằng tôi "có vấn đề." Nhưng khi gia đình và bạn bè hiểu rõ thì mọi người đều ủng hộ" - ông Tấn chia sẻ.
Theo ông Tấn thì Hà Nội hiện nay chỉ còn khoảng hơn chục người chơi và sưu tầm quạt cổ, nhưng "chịu chơi nhất" chỉ có ba người là ông Phúc ở Tạ Hiện, anh Thuần ở Hàng Điếu và ông. Qua tìm hiểu tôi được biết ba ông "vua quạt" này là người đi đầu trong trào lưu sưu tập quạt bắt đầu rầm rộ vào những năm 1986 cho tới 1990 của thế kỷ trước.
Nhớ lại những ngày mới bắt đầu sưu tầm quạt cổ, ông Tấn cho hay, lúc đầu đơn giản chỉ vì ông thấy tiếc chứ chưa hề có một sự đam mê lớn lao nào cả. Ông mua về mày mò sửa chữa rồi lại bán cho khách du lịch. Nhưng chính những vị khách này lại mang đến cho ông một niềm đam mê đeo đẳng đến giờ. Khi ấy, ông tò mò trước câu hỏi: Vì sao họ lại sẵn sàng bỏ ra 100 đôla chỉ để rước về một cái quạt cũ rích nặng trình trịch?
"Rồi tôi cũng hiểu hàng ngày mình say sưa tìm mọi cách chữa chúng, nhưng có nhận ra vẻ đẹp của chúng đâu, những "cục sắt có cánh biết quay kia" gắn bó không ít với lịch sử của đất nước. Việc đi tìm giá trị lịch sử của chúng chính là một niềm đam mê mà không phải ai cũng tham gia được," ông tâm sự.
Hiện vẫn có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến cửa hàng của ông Tấn để mua quạt cổ. Nhưng ông chỉ bán những chiếc nhàng nhàng, có thể dễ tìm, còn những chiếc thuộc vào hàng "cụ, kỵ" thì ông cất giữ cẩn thận và không bán mặc dù trong số đó có những chiếc ông chưa tìm được đủ phụ tùng để phục hồi lại nguyên trạng cho chúng.
Ông Tấn chỉ cho tôi xem một chiếc Marelli đen nhẻm, mỗi khi bật điện nó quay kêu "cùng cục" điếc cả tai. Ông vui vẻ giải thích: "Giống này nó thế đấy anh ạ. Mặc dù tôi đã lau chùi cẩn thận, mở ra để tra dầu, tìm hiểu nguyên lý hoạt động và khắc phục nhược điểm của nó nhưng nó vẫn kêu. Và chính tiếng kêu của nó mới hay anh ạ."
Theo ông Tấn mua được quạt cũ, nhưng phục hồi lại nguyên bản không phải điều đơn giản bởi những người không hiểu được hết giá trị lịch sử của những chiếc quạt thì không thể "chữa bệnh" được cho chúng. Chẳng hạn như quạt Pơgiô gắn liền với thời kỳ người Pháp xâm lược, rồi quạt EMJ của Hà Lan gắn liền với thời kỳ người Hà Lan vào Việt Nam… hay đơn giản hơn là chiếc quạt tai voi của Liên Xô cũ gắn liền với thời kỳ Liên bang Xô Viết còn tồn tại và rất nhiều du học sinh nước ta sang đó học tập.
Điều mà ông Tấn trăn trở nhất là việc những chiếc quạt cổ gắn liền với lịch sử nước nhà lại được những ông Tây khiêng về bên kia lục địa. Những chiếc dễ tìm thì chẳng sao, nhưng có những chiếc quý mà không phải người trong nghề thì không thể nhận ra giá trị của nó mà nếu chậm chân thì sẽ chẳng thể nào giữ lại.
Đam mê với thú chơi và sửa chữa quạt cổ, ông Tấn cho rằng khó nhất là việc sửa chữa bộ chuyển động của quạt. Thứ nữa là việc tạo ra hợp chất ăn mòn lá đồng của cánh quạt hay rá quạt cũng là một bí quyết để chiếc quạt vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó, mà lại luôn sáng và sạch đẹp.
Trong cuộc sưu tầm quạt cổ, ông đã đi nhiều nơi tìm những chiếc quạt ưng ý về bổ sung cho bộ sưu tập của mình và đã có lúc "hợp đồng" với cả cánh đồng nát để có được những chiếc quạt giá trị.
Có quạt rồi nhưng có thể phục hồi lại nguyên trạng và tìm ra tuổi của chúng thì không phải là điều đơn giản. Các bộ phận bên trong như dây có thể cuốn lại, ốc vít có thể thay nhưng có những bộ phận mà không phải chính hãng thì coi như chiếc quạt đó mất hẳn giá trị. Chẳng hạn như hộp số của chiếc quạt trần bốn cánh Marelli có một nút vặn nhỏ bên ngoài và vòng đồng in nhãn hiệu mà mất đi thì cả chiếc quạt chỉ còn giá trị ở bốn cái cánh mà thôi. Cũng vì thế mà có những chiếc ốc vuông nhỏ xíu ông Tấn phải bỏ ra hàng 50.000-70.000 đồng để mua lại từ dân đồng nát.
Điều trăn trở nhất với ông Tấn là hiện nay chưa có câu lạc bộ "hội phục chế quạt cổ." Theo ông Tấn, về lâu dài những người chơi và sưu tầm quạt cổ sẽ hướng tới sẽ thành lập câu lạc bộ, bởi có vậy mọi người mới trao đổi được kinh nghiệm sửa chữa cũng như giới thiệu những chiếc quạt đẹp để cùng thưởng thức thú chơi tao nhã của người Hà thành./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.