Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lê Sửu và khoảnh khắc Hà Nội ngày giải phóng

Bảo Trân| 07/10/2021 10:57

(HNMCT) - Đã gần 70 năm trôi qua, những người may mắn ghi lại được khoảnh khắc lịch sử đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954 giờ chỉ còn ít người. Một trong số đó là ông Lê Sửu, sinh năm 1937, người ở phố Hàng Đào, nguyên là sinh viên khóa 1, Trường Đại học Bách khoa. Và những phút giây lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

- Thưa ông, đã 67 năm trôi qua, liệu ông còn nhớ những ngày tháng 10 lịch sử của Thủ đô năm 1954?

- Nhớ chứ! Tất cả mọi người đều háo hức chờ đợi đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô. Những ngày trước đó, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm vì thành phố lúc bấy giờ quân Pháp thì bắt đầu rút đi mà quân ta chưa về. Vợ tôi, khi ấy là cô bé hàng xóm mới 12 tuổi, mấy đêm trước khi bộ đội tiến về đã làm rất nhiều dây xích ngũ sắc để trang trí nhà cửa. Dù khi ấy lính Pháp chưa rút hết nhưng nhà nào cũng sục sôi, âm thầm chuẩn bị mừng chiến thắng bằng việc may cờ, cắt chữ, làm hoa... Đúng ngày 10-10-1954, khi đoàn quân xuất hiện, tất cả đều mở cửa rồi chạy ào ra đón Bộ đội Cụ Hồ. Không khí lúc đó vui và nhộn nhịp lắm. Tôi vẫn nhớ bầu trời hôm ấy trong vắt, xanh thăm thẳm.

- Trong số những bức ảnh ông chụp, có một bức ảnh chụp em trai mình là ông Lê Bảo Tháp cầm cờ vẫy chào đoàn quân chiến thắng trở về?

- Khi chụp, tôi chỉ muốn có hình ảnh của quân giải phóng. Việc chú em tôi xuất hiện trong bức ảnh cũng chỉ là sự tình cờ. Năm 18 tuổi, em tôi đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Tôi cũng không ngờ rằng, bức ảnh em tôi vẫy cỡ trước cửa nhà mình ở 80 Hàng Đào lại chính là khoảnh khắc lịch sử của gia đình và của Hà Nội trong ngày đặc biệt 10-10-1954. Từ bấy đến giờ, tôi vẫn luôn giữ gìn bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” như một kỷ vật thiêng liêng của gia đình.

- Thực sự nhiều năm trôi qua, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, khi nhớ lại những khoảnh khắc mình bấm máy, ông có cảm xúc như thế nào?

- Tôi không bao giờ nghĩ rằng em tôi sẽ hy sinh. Đó là chuyện ngoài sức tưởng tượng, chính vì thế, bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” có một giá trị đặc biệt với tôi. Ngày trước tôi làm ở Viện Thiết kế tổng hợp, chuyên thiết kế các công trình thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Khi ấy có chủ trương phát triển công nghiệp địa phương. Có lần tôi về địa phương công tác, khi ngồi trên xe ô tô đã nhìn thấy hàng dài những anh bộ đội, trong đó chắc chắn có em tôi đang hành quân đi chiến đấu. Họ đi bộ hàng trăm, hàng nghìn cây số! Tôi đã không cầm được nước mắt. Đó có thể là những “bức ảnh trong tâm trí” mà tôi không có ý thức chụp lại, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi đến tận bây giờ.

Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản. Ảnh: Lê Sửu

- Ngày ấy ông rất thích chụp ảnh?

- Tôi thích chụp ảnh nhưng thú thật là kỹ thuật chụp của tôi cũng bình thường thôi. Hồi ấy nhà tôi cũng thuộc diện khá giả. Cha tôi là chủ hiệu tạp hóa Đức Hòa, tuy không lớn lắm nhưng rất uy tín. Vì là con nhà khá giả nên việc mua một chiếc máy ảnh hay một chiếc xe đạp với gia đình tôi lúc đó rất bình thường. Việc chụp ảnh với tôi chỉ là sở thích cá nhân, cũng không có ý thức lưu giữ làm tư liệu về sau. Vì thế, mặc dù chụp rất nhiều nhưng ảnh cứ mất dần. Tôi chụp nhiều, in nhiều ảnh và cũng tặng bạn bè bức này bức kia.

- Ngoài ảnh chụp ngày giải phóng Thủ đô, ông còn những bức ảnh về đề tài nào nữa?

- Thi thoảng tôi cũng chụp ảnh phong cảnh, nhưng chủ yếu vẫn là chụp ảnh gia đình. Với ảnh phong cảnh, tôi thích chụp Hà Nội, chụp nhiều nhất là Hồ Gươm, cầu Thê Húc, phố cổ Hà Nội. Nhưng dù là ảnh chân dung hay phong cảnh, những bức ảnh đen trắng có một giá trị rất đặc biệt với tôi. Tôi nghĩ, với nhiều người cũng vậy.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, tôi chụp ảnh thêm một thời gian nữa. Rồi cuộc sống thay đổi và công việc cũng bận rộn, tôi không còn giữ thói quen chụp ảnh nữa. Đó có thể coi là kỷ niệm thời thanh niên của tôi.

- Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khỏe!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lê Sửu và khoảnh khắc Hà Nội ngày giải phóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.