Điểm đến

Lệ Mật - dấu ấn làng nghề trong phố

Mỹ An 10/02/2025 - 06:02

Lệ Mật xưa là một xã thuộc tổng Gia Thụy (huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc), nay thuộc phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội). Làng Lệ Mật nổi tiếng với nghề nuôi, bắt rắn và gây ấn tượng mạnh với thực khách gần xa bằng các món ăn được chế biến từ rắn. Tuy đã qua thời kỳ hoàng kim, nhưng dân làng vẫn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, để bảo tồn một làng nghề độc đáo cho Hà Nội.

le-mat.jpg
Nghề nuôi, bắt rắn vẫn được người dân Lệ Mật gìn giữ. Ảnh: Linh Tâm

Tích xưa còn vọng

Làng rắn Lệ Mật được hình thành cách đây hơn 1.000 năm. Tương truyền, chàng thanh niên họ Hoàng, người làng Lệ Mật đã dũng cảm chiến đấu với thủy quái trên dòng sông Thiên Đức (sông Đuống) để đưa ngọc thể của công chúa con vua Lý Nhân Tông lên bờ. Nhà vua muốn ban thưởng vàng bạc nhưng chàng trai họ Hoàng chỉ xin đưa dân làng mình sang khai khẩn khu đất hoang ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Được vua ưng thuận, chàng cùng dân làng Lệ Mật vượt dòng Nhị Hà (sông Hồng) sang kinh thành Thăng Long, lập nên 13 trại ấp trù phú, đặt tên là “Thập tam trại”. Sau này, chàng lại về tái thiết quê hương, lập nên làng Trù Mật (sau đổi thành Lệ Mật) phồn thịnh, nổi tiếng với nghề chế biến thuốc, nuôi và bắt rắn.

Tưởng nhớ công ơn của chàng trai họ Hoàng, dân làng lập đền thờ và tôn chàng là thành hoàng làng. Hằng năm, hội làng được mở từ ngày 20 đến 24 tháng Ba. Đã thành thông lệ, con cháu của 13 làng ấp Thập tam trại lại “vượt Nhị Hà thăm quê”. Dân cựu quán (quê cũ) và kinh quán (khai hoang bên kinh đô Thăng Long) tề tựu bên nhau, cùng tham gia các nghi lễ độc đáo như lễ rước nước, lễ đả ngư, tái hiện trò diễn diệt giảo long, múa rắn và lễ rước Thập tam trại. Những nghi lễ, trò diễn này đến nay vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, mang tính điển hình của một ngôi làng cổ nằm bên dòng sông Hồng.

Độc đáo nghề nuôi, bắt rắn

Thập niên 2000 - 2010 là thời điểm phát triển cực thịnh của Lệ Mật với nghề nuôi và bắt rắn, kinh doanh nhà hàng ẩm thực. Cao điểm, cả làng có hơn 100 hộ theo nghề. Hiện nay, do những chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời thị hiếu của thực khách cũng thay đổi nên nghề nuôi, bắt rắn ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình đã chuyển hướng kinh doanh. Trong làng hiện còn khoảng 30 hộ vẫn giữ nghề trong muôn vàn khó khăn và nguy cơ mai một, mất nghề hiển hiện.

Ông Nguyễn Quang Anh, chủ quán Hương Quê (số 108 Lệ Mật, tổ 7, phường Việt Hưng) cho biết: “Gia đình tôi có nghề nuôi và bắt rắn từ nhiều đời nay. Người Lệ Mật nổi tiếng với nghề bắt rắn nhờ những kinh nghiệm dân gian độc đáo. Chỉ cần nhìn thoáng qua vết trườn rắn để lại trên đất, người làng có thể đoán đó là loài nào, kích thước, trọng lượng ra sao. Bởi vậy, khi có rắn xuất hiện, người ta lại nhờ dân làng tới bắt”.

Người Lệ Mật làm nghề bắt rắn lâu năm có một đặc điểm ít người biết, đó là nhiều người không còn đủ 10 ngón tay do bị rắn cắn. Cách duy nhất để giữ tính mạng khi bị rắn cắn là phải lập tức “kê” (chặt) ngón tay trước khi độc tính trong nọc rắn lan khắp cơ thể. Ngày nay, kỹ thuật bắt rắn có nhiều cải tiến, cùng với các loại thuốc hữu hiệu nên tỉ lệ người phải “kê” tay đã giảm đi nhiều, nhưng trong làng vẫn còn khoảng chục người phải chịu các di chứng do rắn cắn. Dù vậy, người Lệ Mật vẫn quyết giữ nghề bắt rắn và tiếp tục truyền lại cho con cháu.

Tồn tại song song với nghề bắt rắn là nghề nuôi và chế biến ẩm thực, dược liệu từ rắn. Lệ Mật hiện có 14 nhà hàng chuyên kinh doanh ẩm thực rắn dựa trên những bí quyết chế biến gia truyền bằng các loại gia vị và kỹ thuật đặc biệt. Cái khéo của người Lệ Mật nằm ở chỗ, mọi bộ phận của rắn đều có thể chế biến thành món ăn như đầu để ngâm rượu, da để chiên giòn, xào mềm; thịt có thể hấp, nướng, xào xả ớt, làm chả cuốn lá lốt; lòng để xào dứa, gan cuốn trứng; xương nấu canh hoặc băm để xúc bánh đa; mật có thể pha với rượu.

Thịt rắn rất tốt cho sức khỏe và có thể chữa một số bệnh như phong thấp hay các bệnh ngoài da. Do đó, Lệ Mật còn có nghề ngâm rượu rắn làm thuốc. Một số hộ còn phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, làm dây lưng, ví từ da rắn. Năm 2024, làng nghề Lệ Mật có 2 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ gia dụng, trang trí được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Làng nghề - trung tâm sáng tạo

Làng Lệ Mật nay đã đô thị hóa mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn giữ được phần hồn cốt của một ngôi làng truyền thống với những nếp nhà cổ, nhà thờ họ và các quần thể di tích như đình - chùa Lệ Mật, đình - chùa Trường Lâm, đình - chùa Kim Quan...

Năm 2023, Lệ Mật được công nhận là Điểm du lịch cấp thành phố, mở ra cơ hội phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Giáp Thị Thanh Nhàn phấn khởi cho biết, tháng 7-2024, quận Long Biên đã thống nhất, phê duyệt Phương án xây dựng Trung tâm nuôi, bảo tồn các loài rắn và Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. “Mục tiêu của phương án là bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận năm 2011, đồng thời xây dựng các trung tâm trên để kết nối với các điểm du lịch hiện có nhằm hình thành tour Làng nghề Lệ Mật, qua đó thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với quận Long Biên” - bà Nhàn chia sẻ.

Phương án tổng thể trên được triển khai thí điểm khai thác trong vòng 5 năm, trên tổng diện tích mặt bằng là 7.456m2, bao gồm các công trình: Nhà quản lý, đón tiếp; nhà trưng bày, triển lãm; sân khấu, khu chuồng nuôi nhốt rắn... được thiết kế theo kiến trúc truyền thống. Đối tượng tham gia chính là các hộ dân. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường, phương án này được kỳ vọng sẽ thu hút du khách đến với Lệ Mật, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, xã viên trong làng nghề, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời góp phần bảo tồn Làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật và phát huy các giá trị của các cụm di tích trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lệ Mật - dấu ấn làng nghề trong phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.