(HNM) - Hội Lim vừa tưng bừng vào đám (hôm 13 tháng Giêng). Một số ít người trẩy hội may mắn vì đã được thưởng thức những canh hát cổ nhưng những gì diễn ra trong hội thì ngoài sức tưởng tượng.
Con đường dẫn vào Hội Lim giống như cái chợ với đủ thứ hàng hóa và dịch vụ "ăn theo", ngập trong rác. Trước khi thưởng thức quan họ, du khách được "hưởng" các giọng ca trẻ như Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, các tiết mục "chọc cười" ngày xuân... từ những chiếc loa bên đường. Thậm chí, còn có cả màn trình diễn "Người đến từ Triều Châu" của một cụ ông, được hai cụ bà "minh họa" múa lămvông...
Phần hội như vậy, phần dịch vụ, nhiều du khách méo mặt vì bị "chặt chém". Tất cả, từ chai nước đến cái kẹo... đều có giá rất đắt. Theo một chủ quán, bà đã "mất mấy triệu đấu thầu chỗ".
Quan họ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng giờ trẩy hội, hầu hết du khách chỉ được thưởng thức quan họ qua loa, mua một vài cái đĩa CD và ra về. Lễ hội, nơi tái hiện và là không gian cho di sản ấy sống lại được tổ chức như thế.
Hội Lim chỉ là một điển hình của "phong trào" thương mại hóa lễ hội. Theo khảo sát, hầu hết lễ hội, bao gồm lễ hội truyền thống và lễ hội đương đại đang bị biến tướng. Nhiều nơi đã thương mại hóa các hình thức lễ hội, cố gắng tổ chức cho thật lớn để tranh thủ kinh phí Nhà nước, các tổ chức tài trợ... cũng như "tận thu" du khách.
Hội Lim, cùng nhiều lễ hội khác, trong đó không ít tiêu biểu cho văn hóa, sức sống người Việt, cuối cùng sẽ đi về đâu?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.