Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội ở Hà Nội: Khác biệt trong cái chung

Nguyễn Ngọc Tiến| 16/02/2016 06:46

(HNM) - Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, Hà Nội hiện có hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, diễn ra rải rác quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Ngoài nghi lễ chung, nhiều lễ hội ở Hà Nội còn có những nét đặc trưng mà các vùng miền khác không có.

Lễ hội đền Bạch Mã.


Lễ hội cung đình

Kể từ khi xây dựng nền độc lập (đầu thế kỷ thứ X), các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức những lễ hội sinh hoạt trong cung đình và lễ hội mang tính quốc gia. Lý do là trước khi lên ngôi, vua cũng là dân, vì thế tín ngưỡng, niềm tin dân gian đã ngấm vào từ bé. Cùng với các truyền thuyết, huyền tích, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình cũng góp phần tạo ra "Tâm thức Việt Nam", làm chỗ dựa vững chãi về tinh thần để đất nước phát triển. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời vua Lê Đại Hành (năm 985) đã tổ chức các lễ hội nhân dịp sinh nhật vua (mùa thu, tháng Bảy ngày Đinh Tỵ); mùa xuân năm 992, vua mở hội đèn ở lầu Càn Nguyên.

Lễ hội cung đình dĩ nhiên chỉ diễn ra ở kinh đô mà không thể ở vùng miền nào khác. Kể từ Nhà Lý lập kinh đô Thăng Long đến khi Nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, trong gần 800 năm, gần như liên tục Thăng Long là kinh đô, vì thế các lễ hội cung đình đã diễn ra ở nơi này. Các lễ hội này liên quan đến nhà vua hay đích thân nhà vua đứng ra thực hiện. Trong lịch sử lễ hội cung đình Việt Nam, vua chúa không chỉ tham gia với tư cách tham dự mà còn đứng vị trí chủ tế, ví dụ như các lễ hội về "Tứ trấn thần" (bao gồm Cao Sơn, Bạch Mã, Linh Lang, Trấn Vũ), tế đàn Nam giao, đàn Xã tắc… để cầu mong đất trời, thần linh phù trợ cho kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, có 2 lễ hội lớn nhất về quy mô được dân chúng hưởng ứng và mang ý nghĩa tinh thần là hội thề đền Đồng Cổ và lễ hội đèn Quảng Chiếu. Đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được vua Lý Thái Tông cho xây dựng năm 1028, tại Thôn Nam, Đông Xã, phường Yên Thái xưa (nay tọa lạc tại số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Theo sử sách, đền Đồng Cổ vốn ở Thanh Hóa, trên núi Đồng Cổ. Năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã (sau trở thành vua Lý Thái Tông) vâng mệnh vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, khi dừng chân ở nơi này, ban đêm mộng thấy thần núi hiện ra uy nghi như một võ tướng xin theo thái tử đánh giặc. Sau khi chiến thắng, tin vào mộng, Thái tử Phật Mã lễ tạ ở đền Đồng Cổ, rồi rước thần về Thăng Long để giữ nước hộ dân. Sau đó, chính thần núi Đồng Cổ đã báo mộng cho vua về việc ba vương là Vũ Đức, Đông Chinh và Dực Thánh làm loạn. Khi tỉnh dậy, vua đã cho đề phòng, quả nhiên mọi chuyện diễn ra đúng như mộng. Để tưởng nhớ ơn thần, vua xuống chiếu dựng miếu thờ, cho đắp đàn, cắm cờ xí, treo gươm giáo và thề rằng: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết".

Từ năm 1028, lễ hội này trở thành một ngày hội lớn của dân chúng Thăng Long. Cứ vào ngày 25-3 âm lịch hằng năm, bách quan triều thần đến đây để thề hiếu, trung. Sang đời Lê Thánh Tông, hội thề chuyển sang ngày 4-4 vì ngày 25-3 trùng ngày kỵ của vua cha. Đến triều Trần, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền Đồng Cổ. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Theo việc cũ của triều Lý, đến bấy giờ mới cử hành. Nghi thức như sau: Hằng năm ngày 4-4, tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều. Vua ngự ở cửa hữu lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra, đều đủ đội ngũ nghi trượng theo hầu ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu.

Quan trung thư kiểm chính đọc lời thề rằng: "Làm bề tôi hết sức trung, làm quan phải trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết". Đọc xong, quan tể tướng đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt năm quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái đứng ở bốn phương cạnh đường để xem, cho là hội lớn". Pháp tái chiếm Hà Nội năm 1947, đền cổ bị lính Pháp phá nát, chỉ còn hậu cung. Từ những năm 1990, dân phường Bưởi đã lần lượt trùng tu và hiện nay đền hoàn chỉnh, uy nghiêm và có tính mỹ thuật cao. Hằng năm vào ngày 4-4 âm lịch, dân phường Bưởi vẫn tổ chức hội thề trung - hiếu, vừa là duy trì cổ lễ vừa để nhắc nhở mọi người cố giữ tròn chữ hiếu, chữ trung. Như vậy, từ một niềm tin dân gian, khi đem vào triều đình đã được nâng lên thành lễ hội với tầm quốc gia theo một lễ thức vô cùng trang nghiêm. Và để dân nghe được những lời thề cốt nhục ấy, vua đã cho phép dân chúng tham gia, vì thế nó đã trở thành một lễ hội của cung đình thu hút hàng vạn lượt người dân Thăng Long.

Một hội lớn khác trong cung đình xưa là hội đèn Quảng Chiếu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Năm Canh Tý (1120), mùa xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu" và "Vào năm Bính Ngọ (1126), mùa xuân, tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem". Tuy nhiên, vì sách, văn bia bị giặc Minh đốt phá và đem về nước nên các nhà chép sử không thể ghi lại một cách đầy đủ, chỉ ghi lại những nét chính là lễ hội đèn được làm thành nhiều tầng, trên các tầng có pháo bông. Trên sông Tô Lịch cho diễn múa rối nước để dân xem. Lễ hội đèn Quảng Chiếu với mục đích là cầu cho vua khỏe mạnh, sống lâu nhưng đã trở thành một lễ hội lớn của cung đình, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Trước khi diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa mong muốn phục dựng lễ hội này, tuy nhiên vẫn thiếu những nghiên cứu nên khó có thể hình dung về lễ thức và nội dung. Hy vọng một ngày nào đó Hà Nội sẽ phục dựng được.

Những lễ hội đặc biệt

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội trải dài khắp ba miền đất nước. Về thời gian, các lễ hội diễn ra quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Có lễ hội xuất hiện rất sớm, có lễ hội ra đời muộn và dù là lễ hội nhớ ơn công đức thành hoàng làng, lễ hội mang màu sắc tôn giáo, lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc, lễ hội thấm đẫm dân ca, dân vũ… thì đều thể hiện tín ngưỡng dân gian, toát lên tình cảm biết ơn, mong muốn, khát vọng dân an, nước thịnh. Về quy mô, có lễ hội chỉ dừng ở cấp làng xã, một số lễ hội ở mức độ vùng, còn lễ hội lớn, kéo dài, mang tầm quốc gia thì không nhiều. Tại Hà Nội, có hai lễ hội lớn hơn cả về quy mô, sức hút người dân tham gia và giàu ý nghĩa là lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Gióng (ở Đền Sóc, huyện Sóc Sơn và ở Phù Đổng, huyện Gia lâm).

Mùa xuân năm 1770, Chúa Trịnh Sâm đi hội Chùa Hương ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của động Hương Tích, đã đề bút là "Nam Thiên đệ nhất động". Còn với nhà Nho Chu Mạnh Trinh (1862-1905), nhân một lần đi hội, không khí lễ hội hòa vào với thiên nhiên khiến cảm xúc trong ông dâng trào và ông đã sáng tác bài thơ "Hương Sơn tiên cảnh". Đây là bài thơ hay nhất về lễ hội và thắng cảnh này. Lễ hội Chùa Hương có quy mô lớn nhất Việt Nam, thời gian bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến 25 tháng Ba (âm lịch). Vì thế năm 2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận "Lễ hội Phật giáo có thời gian dài nhất Việt Nam" cho nhà chùa và Ban Quản lý di tích. Dù của Phật giáo nhưng thực tế lễ hội còn có yếu tố tín ngưỡng phồn thực đầu xuân (vào hang cầu con), tín ngưỡng thờ Hồ và thờ sức mạnh Thần Núi (ở đền Trình), có cả tín ngưỡng Mẫu (đền Cửa Võng) cho thấy tính hỗn dung văn hóa hay hợp nhất các tín ngưỡng trong lễ hội Chùa Hương là hiếm có. Nó cũng thể hiện sự khoan dung trong văn hóa dân gian Việt Nam.

(còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội ở Hà Nội: Khác biệt trong cái chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.