(HNM) - Hàng loạt lễ hội du lịch biển đã được khai mạc tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, mở màn mùa du lịch hè 2011. Thế nhưng, các địa phương có thế mạnh về du lịch biển mới chỉ chăm chăm khai thác lễ hội theo kiểu thời vụ...
Chương trình khai mạc Festival biển Vũng Tàu với chủ đề Tình biển - Tình người. |
Trăm hoa đua nở
Để kích cầu du lịch, thu hút lượng lớn du khách, các địa phương đua nhau tổ chức lễ hội du lịch biển dưới mọi hình thức, từ tuần văn hóa - du lịch cho đến festival. Đây không phải là cách làm mới bởi từ lâu, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, đã coi việc tổ chức các lễ hội du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng là cơ hội giới thiệu sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu của du khách. Với việc tổ chức quy mô, bài bản, họ đã biến mỗi lễ hội trở thành một thứ đặc sản du lịch mang nét đặc trưng vùng, miền và Thái Lan đã thành công khi thu hút lượng lớn du khách quốc tế. Còn ở nước ta, tình trạng tổ chức lễ hội du lịch, festival tràn lan theo kiểu phong trào, ăn xổi... đã không mang lại hiệu quả như ý muốn.
Mới về nước để tham gia hành trình khám phá các điểm đến từ Bắc đến Nam, anh Đức Thọ (Việt kiều Anh) cho biết, sở hữu nhiều bãi biển đẹp và thơ mộng, nước ta có tiềm năng lớn về du lịch biển. Thế nhưng, khi đặt chân đến lễ hội du lịch ở một số vùng biển, nhiều du khách nản lòng khi nhận thấy công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp khiến các lễ hội trở nên mờ nhạt, na ná nhau, không rõ bản sắc vùng miền. "Dù được coi là lễ hội biển nổi bật ở miền Bắc nhưng ngay cả Canaval Hạ Long vẫn mang hơi hướng của một cuộc trình diễn đường phố đơn thuần chứ chưa tạo dấu ấn đặc biệt khiến du khách muốn quay trở lại. Thêm vào đó, thay vì được tham gia, được hòa mình vào không khí lễ hội giống như hình thức canaval tại các quốc gia Nam Mỹ thì du khách chỉ được đứng ở hai bên đường mà xem", anh Đức Thọ nhận xét.
Được đánh giá là một trong những lễ hội thành công, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tổ chức thường niên tại TP Đà Nẵng đã tạo được sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cuộc thi bắn pháo hoa năm nay cũng chỉ thu hút được 2.500 lượt khách quốc tế tham gia, trong khi khách nội địa đến đây dịp này ước đạt trên 12.900 lượt. Lý giải vì sao lễ hội tại các vùng biển nước ta chưa có sức hấp dẫn lớn đối với khách nước ngoài, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành quốc tế Hanoi Redtour cho rằng, chúng ta mời khách đến bằng việc tổ chức các lễ hội, thế nhưng, ngoài những hoạt động biểu diễn thiếu hấp dẫn, khách không biết chơi gì ngoài tắm biển, không biết mua gì ngoài hải sản, nhất là thiếu dịch vụ lưu trú cao cấp để nghỉ ngơi bởi đa số phòng hạng sang đã được các địa phương đăng ký cho khách mời, khách VIP, ca sĩ, diễn viên, nhà tài trợ...
Điển hình như Đồ Sơn (Hải Phòng), dù thời gian qua nở rộ nhà hàng, dịch vụ ăn uống nhưng trên thực tế những cơ sở có đủ điều kiện để đón và phục vụ được đoàn từ 50 khách quốc tế trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều hãng lữ hành tại Hà Nội than phiền về việc không thể tìm được khách sạn 5 sao tại Hải Phòng khiến các đoàn khách quốc tế cao cấp không muốn nán lại. Điều đó lý giải vì sao lễ hội du lịch biển Đồ Sơn trong nhiều năm nay đều rơi vào cảnh "khách một, chủ nhà mười". Tương tự, tại Cửa Lò (Nghệ An) trong hai năm qua dù đã đầu tư thêm nhiều cơ sở lưu trú đạt chuẩn nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy bóng dáng của khách sạn 5 sao, vì vậy, nơi đây không thể đáp ứng được yêu cầu của khách quốc tế hạng sang.
Vì sao chưa hút khách ngoại?
Theo các chuyên gia trong ngành "công nghiệp không khói", để phát triển du lịch, điều cần quan tâm là xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ và các sản phẩm dịch vụ đa dạng, hoàn chỉnh, sau đó mới dùng đến lễ hội để tạo điểm nhấn. Rõ ràng, các địa phương đang đi ngược lại quy trình này bằng cách dùng lễ hội để kéo khách đến nhưng sau đó không biết lấy gì để đãi khách.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Công Hoan còn cho rằng, phần lớn khách quốc tế không mặn mà lắm với lễ hội. Lý do là lễ hội ở Việt Nam quá đông người, thường xảy ra lộn xộn, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm... Mặt khác, lễ hội ở nước ta hiện nay vẫn nặng về phần lễ nhiều hơn là phần hội. Thậm chí, có những lễ hội lại nhấn vào những hoạt động văn hóa hiện đại làm át đi bản sắc truyền thống độc đáo, điều mà du khách nước ngoài mong muốn khám phá mỗi khi đến Việt Nam.
Để lễ hội du lịch thực sự mang lại hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, đồng thời tạo nguồn khách tiềm năng cho mùa du lịch, theo các chuyên gia, không nên tổ chức lễ hội ồ ạt vào cùng một thời điểm. Mỗi lễ hội phải mang một nét đặc trưng riêng, không thể giống nhau từ hình thức tới thời điểm tổ chức như hiện nay. Chẳng hạn như lễ hội du lịch biển Đồ Sơn nên tổ chức vào đúng dịp diễn ra hội chọi trâu, thay vì khai mạc vào dịp 30-4 và 1-5. Festival Biển Nha Trang nên tổ chức vào đúng ngày nơi đây được công nhận là thành viên của CLB Các vịnh biển đẹp nhất thế giới, hay Hội An nên tổ chức lễ hội vào đúng rằm tháng bảy... Việc tổ chức các lễ hội du lịch vào từng thời điểm gắn với những ý nghĩa quan trọng của từng địa phương sẽ tôn lên giá trị văn hóa, quảng bá thương hiệu của mỗi vùng, miền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.