Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động của công đoàn

Linh Chi| 25/09/2018 07:10

(HNM) - Với chủ đề “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, Đại hội đại biểu lần thứ XII Công đoàn Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 đến 26-9.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, nhiệm kỳ 2013-2018 khép lại với những nỗ lực không ngừng của tổ chức Công đoàn nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên. Đây là tiền đề để bước vào nhiệm kỳ mới, tổ chức Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, trên tinh thần lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Ảnh: Sơn Hà


- Nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp công đoàn Việt Nam đã hướng về cơ sở, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức hoạt động, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể?

- Có thể nói, các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam đề ra đã được triển khai thực hiện. Nổi bật là, công đoàn đã tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, nghị quyết, pháp luật về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh. Vai trò công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt là, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, công đoàn đã tham gia xây dựng, hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến người lao động. Tiêu biểu là, tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Công đoàn còn tham gia hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng hơn 55% so với đầu nhiệm kỳ 2013-2018, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Về phía cơ sở, công đoàn đã đại diện người lao động ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ. Đã có 2.281 công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công, nâng giá trị bữa ăn ca của 587.000 người lao động từ 15.000 đồng trở lên, góp phần chăm lo sức khỏe cho đoàn viên, người lao động. Đây là những con số rất ý nghĩa.

- Trước tình trạng vi phạm pháp luật lao động, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, công đoàn có giải pháp gì để bảo đảm quyền lợi của người lao động, thưa đồng chí?

- Các cấp công đoàn trong cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp hạn chế vi phạm, bảo vệ quyền lợi người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Trong đó, các cấp công đoàn tổ chức làm việc với chủ doanh nghiệp, gửi văn bản hoặc tham mưu với cấp ủy, chính quyền làm việc với doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật lao động, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Riêng năm 2017, với biện pháp này, cả nước đã thu được gần 819,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm các loại. Bên cạnh đó, công đoàn chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, kiến nghị xử lý vi phạm; tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật; tổ chức công khai thông tin doanh nghiệp vi phạm nhằm hạn chế gia tăng vi phạm.

- Được bảo đảm về quyền lợi và phúc lợi là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Xin đồng chí cho biết, công đoàn thực hiện vấn đề này như thế nào?

- Với phương châm “Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn”, từng bước tạo lợi thế khác biệt cho đoàn viên, Chương trình phúc lợi đoàn viên đã được triển khai ở các cấp công đoàn. Công đoàn đã đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi (từ 5 đến 20% giá niêm yết), góp phần tăng thêm lợi ích của hơn 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn tổ chức nhiều chương trình rất ý nghĩa như: “Tết sum vầy” được triển khai từ năm 2015 và không ngừng phát triển, được đông đảo đoàn viên, người lao động và xã hội đánh giá cao. Hơn 8 triệu lượt đoàn viên, người lao động đã được hưởng lợi từ chương trình này với tổng số tiền hơn 8.500 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm công đoàn” đã giúp hơn 20.000 gia đình đoàn viên nghèo có được ngôi nhà an toàn, vững chắc với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. “Tháng công nhân” được tổ chức hằng năm, nhằm vận động xã hội chăm sóc hàng triệu công nhân, lao động.

- Dự kiến trong nhiệm kỳ 2018-2023, công đoàn sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn tới đối tượng công nhân, lao động trong khu công nghiệp, chế xuất. Xin đồng chí chia sẻ về nhiệm vụ này?

- Cả nước hiện có gần 3 triệu công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, chế xuất. Vì nhiều lý do, việc xây dựng thiết chế phục vụ đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp như: Nhà ở, nhà trẻ, trường mẫu giáo, siêu thị công đoàn, nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao, tư vấn pháp luật, khám chữa bệnh, giải trí… còn chưa đáp ứng nhu cầu. Thời gian tới, bên cạnh các chương trình, hoạt động nâng cao đời sống đoàn viên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn và đoàn viên, trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao... Số kinh phí dành cho đề án khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, được tạo ra từ nỗ lực tiết giảm chi phí hành chính, phong trào của toàn hệ thống. Đến nay đã có 21 tỉnh, thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm. Tại các tỉnh: Hà Nam, Tiền Giang, Quảng Nam, Tổng Liên đoàn bắt đầu xây dựng thiết chế. Dự kiến đến tháng 5-2019, 300 căn hộ đầu tiên sẽ được bàn giao cho công nhân. Đây là nỗ lực ưu tiên chăm lo cho những đoàn viên khó khăn nhất, sau đó Tổng Liên đoàn sẽ từng bước chăm lo các đối tượng khác.

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những thách thức lớn về việc làm bền vững cho người lao động. Trong nhiệm kỳ tới, Tổng Liên đoàn sẽ đồng hành như thế nào để người lao động có việc làm, bảo đảm thu nhập và đời sống, thưa đồng chí?

- Trước hết, các cấp công đoàn sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của nó, trong đó có việc làm, thu nhập để người lao động hiểu rõ, chuẩn bị thích ứng một cách hiệu quả. Công đoàn sẽ tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp tổ chức đào tạo nghề để công nhân, lao động nâng cao trình độ, sẵn sàng học nghề mới, chuyển nghề khi có điều kiện. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở phải nâng cao năng lực và vị thế trong đại diện, bảo vệ quyền có việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động, không để các doanh nghiệp tùy tiện, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Cùng với đó, các cấp công đoàn sẽ tích cực tham mưu, đề xuất các chính sách nhằm tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động của công đoàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.