Hà Nội kết nối

Lập lại trật tự vận tải hành khách được không?

Hà Tuấn - An Tôn 08/11/2023 - 17:35

Cùng với cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai cao điểm kiểm tra xe hợp đồng, xe du lịch. Tuy nhiên, cũng phát sinh một số vấn đề trong quy định pháp luật, khiến nhiều doanh nghiệp "lách luật".

nx2.jpg
Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh xử phạt xe khách vi phạm trên quốc lộ 22.

Những chuyển biến bước đầu

Đầu tháng 11-2023, nhóm phóng viên khảo sát những điểm, tuyến vốn là "địa bàn" hoạt động sôi nổi trước đây của xe du lịch, xe hợp đồng "lách luật" chạy như xe khách tuyến cố định tại một số quận trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, trên phố Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) không còn cảnh xe hợp đồng, xe du lịch của nhiều nhà xe dừng đỗ chờ đón khách công khai như trước. Điểm trả khách trước đây trên phố Yersin (quận 1) cũng vắng bóng xe đỗ. Tại điểm đón khách trên phố Phạm Ngũ Lão (quận 1) chỉ có xe trung chuyển đưa khách đến các điểm chờ bên ngoài thành phố để hành khách lên xe đi đến các địa phương khác.

Tại phố Lê Hồng Phong (quận 5), những điểm xe hợp đồng trực tiếp đón trả khách trước đây, nay không còn sôi động như trước.

Anh Vương Thế Nghĩa, một tài xế xe công nghệ hoạt động tại khu vực này cho biết, các nhà xe chỉ còn bố trí xe trung chuyển, đón khách từ các điểm đưa ra Bến xe miền Tây để lên xe đi về Đồng bằng sông Cửu Long, không trực tiếp đón trả khách như trước.

nx1.jpg
Một xe khách chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Thanh Hóa bị ghi hình khi dừng đón khách dọc đường Võ Nguyên Giáp để phục vụ xử phạt.

Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra xe khách, xe du lịch, xe hợp đồng, trong tháng 10-2023, Thanh tra Sở đã lập biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.383 trường hợp phương tiện vi phạm đón trả khách không đúng quy định, với tổng số tiền xử phạt gần 3,6 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Sở GTVT đã có quyết định thu hồi 17.361 phù hiệu, biển hiệu đối với các phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm về tốc độ qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình; thu hồi 143 giấy phép kinh doanh vận tải đối với các đơn vị theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Sở GTVT cũng thường xuyên cập nhật những điểm đón trả khách không đúng quy định để lực lượng chức năng xử phạt. Thời gian qua, đã có ít nhất 310 trường hợp bị cảnh sát giao thông xử lý qua tin báo liên thông này.

Siết chặt quản lý

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính nhận định, có một cách để quản lý chặt hơn các phương tiện vận tải hành khách công cộng này (gồm cả xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch), đó là quản lý theo dữ liệu GPS của từng xe, bởi theo quy định, xe nào cũng phải lắp thiết bị giám sát.

"Dữ liệu giờ hoàn toàn do Cục Đường bộ nắm giữ. Tôi đề nghị Cục phân cấp quản lý dữ liệu này về Sở GTVT, nơi đăng ký phương tiện, không nên ôm đồm như hiện nay. Mỗi tháng một lần, các sở địa phương công bố công khai xe, nhà xe có nhiều vi phạm. Ban An toàn giao thông các địa phương cần đưa vào “danh sách đen” các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm (chạy sai tuyến, chạy quá tốc độ, đón trả khách sai địa điểm...) để sớm có kế hoạch xử lý", ông Tính đề xuất.

nx.jpg
Một xe đón khách dọc quốc lộ 1A, địa bàn quận 12, bị cơ quan chức năng xử lý.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện nhà xe Kumho Samco cho rằng, nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền, rút phù hiệu như hiện nay thì chưa đủ răn đe và chưa tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cần tăng nặng chế tài hoặc chuyển cơ quan công an điều tra đối với doanh nghiệp vận tải hành khách vi phạm nhiều lần có dấu hiệu trốn thuế.

Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã kiến nghị Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan xem xét, sửa đổi bổ sung một số quy định phù hợp hơn với thực tiễn, tránh để các doanh nghiệp vận tải "lách luật" như trước đây.

Điển hình là trong các quy định pháp luật, chưa có quy định cụ thể thế nào là điểm đón trả khách trái phép (bến cóc); chưa được quy định rõ là xe ô tô khách của một đơn vị kinh doanh vận tải (không phân biệt biển số xe) hay là từng xe ô tô khách (phân biệt từng biển số xe cụ thể) và số lần đón, trả khách tại các điểm cố định lặp đi lặp lại hằng ngày bao nhiêu lần là vi phạm...

a159a.jpg
Cảnh sát giao thông và Thanh tra Giao thông thành phố Hồ Chí Minh phối hợp kiểm tra xe khách. Ảnh: PC08.

Ngoài ra, hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam chưa nâng cấp để trích xuất dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến xe trong thời gian một tháng. Cục Đường bộ Việt Nam chưa xây dựng và triển khai phần mềm để các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch cung cấp nội dung tối thiểu của hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển khách...

Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, đã tham mưu cách giải quyết các tồn tại trên đến UBND thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo lên Bộ GTVT xử lý. Cùng với đó, Sở tiếp tục phối hợp hiệu quả với các bên để tăng cường năng lực quản lý, sớm lập lại trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lập lại trật tự vận tải hành khách được không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.