Đến vùng Tân Cương (Thái Nguyên), nhắc đến cái tên Phạm Trung Tuyến thì ai cũng biết. Dù chỉ học hết lớp 5, không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song, lão nông sinh năm 1961 này vẫn chế tạo được máy vò chè có một không hai, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hơn 20 năm nay, chiếc máy vò của ông Tuyến đã trở thành phương tiện sản xuất quen thuộc trong mỗi gia đình ở vùng chè Tân Cương và các địa phương trồng chè trên cả nước, thậm chí còn xuất khẩu sang Lào.
Không được học hành bài bản, mọi thành quả đều do ông sáng tạo, tự mày mò và quyết tâm thực hiện. Khi được hỏi có các chuyên gia là nhà khoa học, tiến sỹ tư vấn giúp đỡ hay không, ông cho biết vẫn tự làm là chính và rất mong một lần gặp gỡ để được hỗ trợ... cho sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.
Chiếc máy của lão nông không bằng cấp
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tân Cương (Thái Nguyên), nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất danh Trà”, ông Tuyến hiểu hơn ai hết về nghề truyền thống của quê hương.
Năm 1979, ông bắt đầu lập nghiệp với cây chè. Khi ấy, cơ sở vật chất còn thô sơ nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Các khâu chế biến như hái, vò, xao, sấy chè đều thực hiện thủ công dẫn đến năng suất, chất lượng thấp.
Lão nông lớp 5 tự mày mò, chế tạo máy vò chè bán khắp cả nước. |
Mãi sau này, khi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, người dân mới biết đến các công cụ hỗ trợ như tôn quay, máy vò. Nhưng điểm yếu của các phương tiện đó là khó sử dụng và không đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm.
“Lúc bấy giờ, tôi cố tích cóp tiền mua một chiếc tôn quay về sử dụng. Nhưng khi mua về thì không dùng được, tôi tức quá mới dỡ tung ra, làm lại theo ý mình. Đúng là trong cái khó ló cái khôn. Sau nhiều lần thất bại, tôi đã chế tạo thành công chiếc tôn quay đầu tiên và sau này là máy vò chè” - ông Tuyến tâm sự.
Ông Tuyến làm tôn quay được 2 năm rồi chuyển hướng, bởi theo ông, làm tôn vừa vất vả mà lãi chẳng được là bao, trong khi đó thị trường đang “khát” một chiếc máy vò chè đúng nghĩa.
Năm 1997, lão nông lớp 5 bắt tay vào nghiên cứu để chế tạo ra chiếc máy vò có một không hai. Ông bắt đầu sưu tầm, phân tích những đặc điểm cần có của một cỗ máy trong mơ bằng những bước phác thảo đầu tiên.
“Khi bản vẽ mới hoàn thành, tôi mang đi hỏi các cô giáo dạy ở trường gần đó xem mình vẽ đúng chưa vì ngày xưa tôi chỉ học hết lớp 5 và không giỏi tính toán. Nhưng khi tôi mang bản thiết kế đến, các cô cũng bó tay. Họ bảo chưa nhìn thấy mẫu hình lạ như thế này bao giờ”, ông kể.
Không bỏ cuộc, ông cứ tự mầy mò vừa học vừa làm, dựa trên những kinh nghiệm làm tôn quay trước đó. Thi thoảng, ông chạy sang một xưởng tiện gần đó xem cách máy móc hoạt động để về cải biên cho phù hợp.
Sự kiên trì không phụ lòng người, sau bao ngày nỗ lực, lão nông Phạm Trung Tuyến đã cho ra đời chiếc máy vò chè đầu tiên của mình vào cuối năm 1997. Ngay lập tức, sản phẩm của ông tạo được tiếng vang trên thị trường chè và được nhiều người ưa chuộng.
Ông Tuyến cho hay: “Chiếc máy vò chè đầu tiên được làm 100% bằng gỗ, sau này tôi mới cải tiến bằng sắt cho phù hợp. Có hộ gia đình hiện nay vẫn sử dụng chiếc máy gỗ đời đầu, tôi tính vài hôm nữa sẽ sang thưa chuyện để mua lại về trưng bày làm kỷ niệm”.
Không chỉ là “vua máy vò chè”, ông được dân làng phong danh là quái kiệt bởi còn tự chế ra nhiều loại máy móc khác, đặc biệt như xe 3 bánh, xà lam dùng trong sửa chữa ô tô xe máy, máy tời, máy băng, nan hoa cửa,...
Vượt khó từ ý chí quật cường và niềm đam mê
“Người ta cứ gọi tôi là dân làm liều hay kẻ lắm tài nhiều tật. Thực ra, đôi khi liều cũng có cái hay vì sẽ tạo ra tính đột phá, nhưng liều quá cũng có cái dở, bởi sẽ phải lĩnh hậu quả suốt đời” - ông đúc rút.
Đồ nghề của "vua máy vò" không bằng cấp. |
Năm 1998, khi đang trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, tai nạn bất ngờ ập đến với lão nông đa tài, khiến một bên mắt của ông hỏng vĩnh viễn.
“Lúc đó là tôi đang tiện chiếc pulley bằng gỗ thì bất ngờ mảnh vỡ có độ sắc nhọn 30mm văng khỏi trục cắm vào một bên mắt. Tôi bất giác nằm vật ra sàn, máu từ mắt, cánh mũi chảy ra đầm đìa. Khi đó ở nhà không có ai, tôi cứ ngỡ mình đã chết”, ông ngậm ngùi.
3 tháng ròng rã nằm viện, đối với ông là thời điểm khủng hoảng. Một bên mắt bị thương quá sâu nên đã hỏng vĩnh viễn. Đối với ông, vết đau không đáng sợ bằng việc tinh thần sa sút và bản thân rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
Sau những phút giây đau khổ nhất cuộc đời, ông “vua máy vò” quyết đứng lên và đứng dậy mạnh mẽ.
Với đam mê sẵn có trong máu, ông bắt đầu tiến hành mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, thuê thêm người làm để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường. Ngày qua ngày, ông Tuyến đã khẳng định được tên tuổi của mình trong ngành chế biến chè.
Chiếc máy vò độc đáo dần được bán rộng rãi ở các vùng trồng chè trên cả nước như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lâm Đồng và mới đây đã xuất khẩu sang Lào.
Trong năm 2017, ông sản xuất được gần 300 chiếc máy, giá thành 4,3-4,5 triệu đồng/chiếc. Trừ nguyên vật liệu, nhân công, ông Tuyến lãi hơn 2 triệu đồng/sản phẩm, chưa kể tiền thu được nhờ bán các dụng cụ đi kèm.
“Trung bình mỗi ngày tôi làm được 1 chiếc máy vò, nhưng làm ra đến đâu bán hết sạch và đôi khi phải nợ đơn hàng. Vào mùa cao điểm, tôi thường phải dậy từ 4 giờ sáng tranh thủ làm máy cho khách”, ông tâm sự.
Từ đầu năm 2018, lượng mua máy vò chè của ông Tuyến tăng lên đột biến, gấp 2-3 lần so với các năm trước. Từ mùng 5 Tết, ông đã bắt tay ngay vào công việc.
Thông thường, để mua được một chiếc máy do chính tay ông chế tạo, khách phải đặt trước từ 1-2 tuần.
Khi được hỏi tại sao ông không thuê thêm người để công việc bớt vất vả, ông Tuyến cho hay, tìm người thì dễ nhưng giữ người ở lại mới khó.
Theo ông, làm thợ chế tạo khó nhất chính là đam mê, phải yêu phải say mê với thứ mình tạo ra thì mới thành công. Có rất nhiều người từng theo ông học nhưng đều bỏ cuộc vì không chịu nổi áp lực, trong đó có cả con trai ông.
“Tôi vẫn thường khuyên mọi người, nếu thực sự đam mê thì hãy theo học vì công việc là cái gắn bó suốt đời. Đôi lúc nghề nghiệp có thể vận vào người theo đuổi nó”, ông nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.