(HNM) - Trái với tình hình ảm đạm,
Người lao động trở lại làm việc tại các khu công nghiệp trong những ngày đầu năm. Ảnh: Huy Hùng |
Việc làm đủ, lao động ổn định
Ngày 6-2 (mùng 7 Tết), vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam, quê Bắc Giang đã quay lại nhà trọ sớm hơn 2 ngày để ổn định nơi ăn chốn ở chuẩn bị cho những ngày làm việc bình thường sau Tết. Là công nhân của Công ty Panasonic đã hơn 5 năm với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng nên anh Nam quyết định gắn bó với công ty. Chị Nguyễn Thị Thảo, quê ở Ba Vì, làm việc tại Công ty Canon (Khu Công nghiệp Thăng Long) cũng trở lại công ty làm việc đúng lịch vào ngày 7-2. Chị Thảo nói: "Năm nay, công ty cho công nhân nghỉ Tết dài ngày, những người ở xa được hỗ trợ tàu xe về quê. Nhà tôi ở gần không phải đi xe ô tô được công ty hỗ trợ 200.000 đồng. Ai nấy đều phấn khởi trở lại làm việc đúng ngày công ty ra quân sản xuất đầu năm". Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Giám đốc Siêu thị Big C Hà Nội cho biết: Siêu thị đang sử dụng 1.566 lao động, đến thời điểm hiện tại đã có trên 90% người lao động trở lại làm việc.
Sự ổn định của thị trường lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội sau Tết khiến thị trường tuyển dụng lao động đầu năm trầm lắng. Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH): Tháng 2-2014, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ít hơn mọi năm. Vào ngày 13-2, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau Tết với mức dự kiến là có khoảng hơn 1.000 chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông chiếm hơn 40%, lao động có trình độ sơ cấp đến trung cấp chiếm hơn 30%, số có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm hơn 25%. |
Nói về tình hình lao động việc làm sau Tết, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các Khu Công nghiệp & Chế xuất (KCN &CX) Hà Nội phấn khởi cho biết: Hầu hết DN khai xuân từ mùng 6 Tết, người lao động (NLĐ) trở lại làm việc đạt 99%, đúng lịch hẹn của DN. Điều này cho thấy ý thức của NLĐ đã được nâng lên, có trách nhiệm với công việc và gắn bó hơn với DN. Còn theo ông Đinh Văn Viện, Chủ tịch CĐ ngành dệt may Hà Nội, tình hình lao động việc làm sau Tết năm nay có nhiều tín hiệu vui. Cụ thể là, từ ngày mùng 6 Tết, khi DN bắt đầu tổ chức sản xuất cho đến nay, số NLĐ trong toàn ngành dệt may Hà Nội trở lại làm đạt xấp xỉ 100%. Điều đó cũng có nghĩa, DN đã có đơn hàng ổn định, đủ việc làm cho NLĐ. Tuy vậy, cũng theo ông Viện tình hình sản xuất cũng chưa có dấu hiệu đột phá vì hầu hết DN trong ngành không có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Tại một số quận, huyện: Hoàng Mai, Từ Liêm, Gia Lâm…, các khu trọ của công nhân đều đã kín. Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai Nguyễn Công Âu cho biết, những DN có quy mô sản xuất lớn, với số lượng lao động từ 30 người trở lên đến thời điểm này đã đi vào sản xuất bình thường. Còn lại 25% số DN nhỏ (trong tổng số hơn 8.000 DN trên địa bàn quận) có dưới 20 lao động vẫn đang phải đóng cửa vì khó tìm kiếm đơn hàng.
Năm nay thị trường lao động sau Tết ít có biến động, NLĐ trở lại làm việc đúng hẹn là vì nhiều lý do. Song, còn một lý do quan trọng theo ông Đinh Quốc Toản là do tình hình sản xuất phải thu hẹp, các DN đã cắt giảm đáng kể một lượng lao động thời vụ để tập trung chăm lo tốt cho những NLĐ đã có thời gian làm việc lâu dài, có trình độ tay nghề phù hợp với yêu cầu sản xuất của DN. Chưa kể, trong thời điểm kinh tế khó khăn nhiều DN phải tạm dừng sản xuất nên lao động thất nghiệp tăng, tác động trực tiếp đến tâm lý của NLĐ. Mặt khác, thời gian gần đây, nhiều DN đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền về ý thức và kỷ luật nên NLĐ đã có nhận thức và trách nhiệm của mình trước DN. Tình hình lao động ổn định, các DN yên tâm bắt tay vào sản xuất ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới mà không phải lo tìm nguồn lao động như những năm trước.
Tín hiệu mang nhiều kỳ vọng
Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP Hà Nội Ngô Văn Minh cho biết, nhằm giữ ổn định tình hình lao động, việc làm sau Tết Nguyên đán, ngay từ trong Tết, LĐLĐ thành phố đã ban hành văn bản, chỉ đạo LĐLĐ quận, huyện, thị xã… phối hợp với chính quyền phát động các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Các cấp CĐ thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho CNVCLĐ, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Nhiều DN khó khăn cũng cố gắng tạo nguồn tài chính bảo đảm mức thưởng Tết không thấp hơn năm trước. LĐLĐ TP Hà Nội đã trích 250 triệu đồng Quỹ Xã hội của CĐ trợ cấp khó khăn đặc biệt cho hơn 500 CNVCLĐ nghèo và tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà các đơn vị và NLĐ trực Tết… Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố, số NLĐ được hỗ trợ và chất lượng quà đều tăng hơn năm trước. LĐLĐ quận, huyện, ngành tổ chức thăm, hỗ trợ hàng nghìn suất quà cho NLĐ khó khăn, đồng thời đôn đốc các DN thưởng Tết tháng lương thứ 13 cho công nhân.
Rõ ràng, với sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp CĐ DN đã hiểu rõ trách nhiệm của họ với NLĐ, đồng thời giúp NLĐ gắn bó hơn với DN. Tất cả đã góp phần tạo nên bức tranh sáng màu về tình hình lao động, việc làm, đời sống của NLĐ sau Tết. Đây là những tín hiệu vui, mang lại sự kỳ vọng một năm mới với nhiều thành công, phát triển của DN, sự sung túc đủ đầy cho NLĐ.
TP Hồ Chí Minh: Hơn 90% công nhân trở lại làm việc sau Tết (HNM) - Ngày 11-2, Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Tại 22 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nông nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn đã có hơn 90% công nhân trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc 95%-98% và một số doanh nghiệp có tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc là 100%. Theo HBA, năm nay do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, cơ hội tìm được việc làm mới khó hơn nên lao động ít bỏ việc hoặc nhảy việc hơn các năm trước. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, mức thiếu hụt lao động sau tết là khoảng 5%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.