(HNMO) - Trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định một số nhóm đối tượng thụ hưởng, nhất là với nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do).
Để việc rà soát các nhóm đối tượng thụ hưởng bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương có căn cứ triển khai.
Về vấn đề này, ngày 22-5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 1810/LĐTBXH-VP giải đáp những vướng mắc khi triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo phản ánh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Với nhóm lao động tự do, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, đối tượng thuộc diện thụ hưởng phải làm những ngành, nghề, công việc theo nội dung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đó là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô hai bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bao gồm những người làm nghề massage, xoa bóp y học, châm cứu không có địa điểm cố định hoặc người lao động làm việc tại các hộ kinh doanh những dịch vụ này.
Lao động bốc vác, vận chuyển hàng hóa là người làm công việc bốc vác hàng hóa tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không và tại các chợ. Còn người vận chuyển hàng hóa là những người thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, xe mô tô hai bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ, các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không.
Dịch vụ lưu trú đủ điều kiện hưởng hỗ trợ là khách sạn, căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở lưu trú tương tự.
Dịch vụ ăn uống gồm nhà hàng, quán ăn, quán ăn tự phục vụ, quán ăn nhanh, cửa hàng bán đồ ăn mang về, hàng ăn uống trên phố/trong chợ, xe bán hàng ăn uống lưu động; quán rượu, bia, quầy bar; quán cà phê, giải khát, dịch vụ phục vụ đồ uống khác.
Người lao động tự do bị mất việc làm được hỗ trợ theo tháng. Thời gian mất việc làm từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng; dưới 15 ngày không được tính.
Với trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng do doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa kịp thời đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đến thời điểm tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, nếu thỏa mãn các điều kiện tại Điều 1 của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg thì người lao động vẫn được xem xét hưởng chế độ hỗ trợ. Có nghĩa là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ một tháng liên tục trở lên, tính từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6-2020. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1-4 đến hết ngày 1-6-2020. Điều kiện khác là người lao động phải làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.