Phương án hỗ trợ được bàn bạc, cân nhắc là sẽ ưu tiên cho các đối tượng phải về nước trước thời hạn, lao động ở 62 huyện nghèo. Doanh nghiệp cũng sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần phí môi giới chưa được chủ sử dụng lao động Libya hoàn trả.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã xây dựng phương án hỗ trợ tiếp theo đối với lao động trở về từ Libya và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới. Dự kiến, mức hỗ trợ tiếp theo khoảng 50 tỷ đồng, ưu tiên cho lao động về nước trước thời hạn và lao động thuộc 62 huyện nghèo.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết như vậy khi trả lời phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về giải pháp hỗ trợ lao động trở về từ Libya và DN xuất khẩu lao động.
Ông Nguyễn Thanh Hòa. Ảnh: Chinhphu.vn
Đã hơn 3 tháng kể từ ngày những người lao động Libya cuối cùng về nước, nhưng hiện tại nhiều DN đang kêu khó trong việc hỗ trợ, thanh lý hợp đồng cho lao động, Thứ trưởng đánh giá về tình hình này như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hòa: Trường hợp hơn 10.000 lao động Libya phải về nước là bất khả kháng, cả DN và người lao động đều phải chịu thiệt thòi. Bộ đã giao Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các DN thanh lý hợp đồng cho người lao động chậm nhất là 2 tuần sau khi lao động cuối cùng về nước. Tuy nhiên, tiến độ thanh lý hợp đồng còn chậm do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể là việc phân loại đối tượng lao động còn gặp nhiều khó khăn, với những lao động đi được trên 1 năm, công ty tiến hành thanh lý hợp đồng theo Luật Lao động. Còn với lao động mới đi, thời gian chưa được 1 năm, DN chậm thanh lý do còn vướng mắc trong việc thương lượng với chủ sử dụng lao động Libya về tiền lương, tiền môi giới…
Bên cạnh đó, tình hình chiến sự Libya vẫn còn nhiều bất ổn nên chủ sử dụng lao động hoặc đã bị lưu lạc hoặc không có khả năng chi trả số lương còn lại cho lao động nên chưa đủ cơ sở để thanh lý hợp đồng.
Tuy nhiên, đến nay việc thanh lý hợp đồng đang được các DN nỗ lực thực hiện khá tốt. Tính đến đầu tháng 7 đã tiến hành thanh lý số lượng lớn.
Cụ thể: Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) thanh lý được gần 90% trong tổng số 2.112 lao động đi Libya; Công ty CP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (Vinaconoex Mec) đã thanh lý được hơn 1.300 lao động; Công ty CP Việt Thắng thanh lý được hơn 500 lao động…, một số công ty đưa lao động đi với số lượng ít hơn cũng đã tiến hành thanh lý xong hợp đồng.
Việc thanh lý hợp đồng cho người lao động được các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực hiện song song với việc tìm thì trường mới để đưa người lao động đi xuất khẩu trở lại.
Được biết, Bộ LĐTBXH đã xây dựng Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tiếp tục hỗ trợ cho lao động và DN. Thứ trưởng có thể cho biết mức hỗ trợ dự kiến và một số phương án cụ thể?
Ông Nguyễn Thanh Hòa: Dự kiến, trong tuần sau Bộ LĐTBXH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ cho lao động và DN, mức hỗ trợ tiếp được dự kiến là khoảng 50 tỷ đồng, nguồn kinh phí chủ yếu lấy từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Phương án hỗ trợ sẽ chủ yếu ưu tiên cho các đối tượng phải về nước trước thời hạn, lao động ở 62 huyện nghèo. DN cũng sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần phí môi giới chưa được chủ sử dụng lao động Libya hoàn trả.
Có dư luận cho rằng, lao động khi đi làm việc ở Libya phải mất một khoản lớn từ 40 – 50 triệu đồng, nay phải về nước và hiện đang phải trả nợ. Họ đang trông chờ vào tiền hỗ trợ. Tôi cho rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, mất chi phí lớn do thiếu hiểu biết.
Thực tế, do Libya không phải là một thị trường hấp dẫn như Hàn Quốc hay Nhật Bản nên nhiều DN đã phải xuống tận địa phương để tư vấn mới tuyển lao động với mức chi phí chỉ khoảng 20 triệu đồng. Tôi đã tiếp xúc với nhiều lao động làm việc tại Libya và họ đều cho rằng làm việc trong 6 tháng là đã đủ trả nợ và có thu nhập.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều địa phương cũng đã chủ động giúp đỡ lao động. Có thể kể đến các tỉnh như Ninh Bình hỗ trợ cho lao động từ 1 – 3 triệu đồng, dành kinh phí để tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động; Hà Tĩnh tổ chức ngày hội việc làm vào trung tuần tháng 6 với hơn 2.900 vị trí đi làm việc ở nước ngoài, gần 5.300 vị trí việc làm trong nước…
Nhiều DN đã đăng ký tuyển dụng toàn bộ lao động Libya vào làm việc nhưng đến nay mới chỉ tuyển được một phần nhỏ, nguyên nhân do đâu, thưa Thứ trưởng?
Ông Nguyễn Thanh Hòa: Trước hết, cần phải ghi nhận trách nhiệm xã hội của các DN đã đăng ký tuyển dụng lao động trở về từ Libya. Tuy nhiên, nhiều DN không tuyển được lao động hay chỉ tuyển được số lượng rất ít là do một số nguyên nhân sau.
Thứ nhất, hơn 10.000 lao động Libya sống rải rác ở 49 tỉnh, thành phố, nhiều nơi xa địa bàn làm việc các DN tuyển dụng nên người lao động có tâm lý ngại xa nhà. Ví dụ Tập đoàn Khang Thông muốn tuyển số lượng lớn lao động cho dự án Happy Land nhưng dự án này lại nằm ở tỉnh Long An, trong khi lao động chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Thứ hai, do người lao động chưa bằng lòng với mức lương sẽ được nhận ở nơi làm việc mới. Mặt bằng chung lao động phổ thông, công nhân xây dựng tại Việt Nam chỉ khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/ tháng, trong khi làm việc ở ngoài nước họ được trả gấp đôi, thậm chí gấp 3. Vì vậy, người lao động vẫn muốn chờ để tiếp tục đi làm việc ở các thị trường khác.
Đa số lao động trở về từ Libya vẫn muốn được tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTBXH cùng với các DN sẽ hỗ trợ cho người lao động như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Ông Nguyễn Thanh Hòa: Các DN sẽ tiến hành rà soát những đối tượng người lao động tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài và dành ưu tiên, tư vấn giới thiệu những thị trường mới, chi phí hợp lý cho lao động trở về từ Libya. Các DN cũng đã chủ động xúc tiến những thị trường mới như Saudi Arabia, Nga…
Bộ cũng đã giao Cục Quản lý lao động ngoài nước chú trọng phát triển thị trường Malaysia. Đây là thị trường triển vọng dành cho lao động đi Libya về vì chi phí thấp yêu cầu về trình độ lao động vừa phải.
Đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã đi Malaysia để trực tiếp tìm hiểu về thị trường này. Ngành xây dựng tại đó đang rất có triển vọng. Ngoài ra, một ngành nghề hấp dẫn, thu hút nhiều lao động nước ngoài và khá phù hợp với lao động Việt Nam là thu hoạch quả cọ. Đây không phải là công việc thời vụ mà có tính chất ổn định, lâu dài với mức lương từ 300 – 600 USD/tháng. Bộ đã chỉ đạo 2 địa phương làm thí điểm, lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp sang Malaysia, tìm hiểu cụ thể về công việc và về phổ biến cho lao động địa phương. Dự kiến, cuối tháng 7 sẽ có đoàn thực tế đầu tiên sang Malaysia.
Ngoài ra, đầu tuần sau chúng tôi cũng sẽ đi Hàn Quốc để tìm giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng lao động Việt Nam tự ý bỏ trốn và thảo luận với đối tác để tiếp tục tổ chức thi tiếng Hàn cho lao động tại Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.