Sáng 29-9, UBND huyện, Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức phối hợp tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với công nhân, viên chức, lao động, doanh nghiệp trên địa bàn...
Dự hội nghị có đồng chí Lê Đình Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở thực hiện chương trình phối hợp với UBND huyện, Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức đã phối hợp với các phòng, ban của huyện trong triển khai văn bản lấy ý kiến, kiến nghị của công nhân viên chức lao động, các cơ quan, đơn vị, trường học và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đối với UBND huyện.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động huyện đã nhận được 35 ý kiến, kiến nghị của người lao động, doanh nghiệp tới UBND huyện và các cấp, các ngành của thành phố và Trung ương, liên quan đến việc: Đề nghị được xây dựng cơ sở vật chất; bổ sung công chức, viên chức, trang thiết bị làm việc, cải tạo cảnh quan môi trường; quan tâm đời sống, chế độ, chính sách, việc làm của công nhân viên chức, lao động; có 12 ý kiến của 12 nhà trường và 1 tâm thư của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng trên địa bàn huyện phản ánh về chế độ của nhân viên nuôi dưỡng, nhân viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non; một số kiến nghị liên quan chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái bố trí địa điểm mặt bằng khi công ty nằm trong quy hoạch phạm vi giải tỏa làm đường Vành đai 4...
Bên cạnh việc kiến nghị, các doanh nghiệp cũng bày tỏ cảm ơn Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Đăng ký kinh doanh, thủ tục mua bán, thuê đất, nhà xưởng... nhanh chóng, thuận lợi; giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu sản xuất và hàng hóa...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phản ánh những khó khăn khác như: Nguồn nhân lực của doanh nghiệp tại các xã, thị trấn hiện nay ngày càng giảm về số lượng, trong khi chất lượng nhân lực được đào tạo cơ bản, đúng ngành, đúng nghề còn ít; công nhân ở xa đến làm việc trong điều kiện ăn ở tạm bợ, chủ yếu tự thuê nhà trọ; thu nhập còn thấp nên nhiều người phải ở cùng một phòng chật hẹp... Mặc dù hiện nay mức lương cơ bản có cải thiện, năm sau cao hơn năm trước, doanh nghiệp có đóng BHXH cho người lao động, nhưng do tâm lý nơi ở tạm bợ, thu nhập trung bình, nên số công nhân từ nơi xa đến làm việc tại huyện không nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp về lực lượng lao động...
Tại hội nghị đối thoại, trong không khí thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, có 8 đại biểu đại diện công nhân, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực phát biểu ý kiến liên quan đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, biên chế cán bộ, giáo viên cho các trường học; chế độ, chính sách, việc làm của công nhân viên chức lao động; công tác tổ chức các hoạt động công đoàn; cơ chế chính sách, thời hạn thuê đất; hạ tầng kỹ thuật…
Sau khi tiếp thu ý kiến phản ánh, lãnh đạo UBND huyện, Liên đoàn Lao động huyện trực tiếp giải đáp thắc mắc, ý kiến, kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động và doanh nghiệp theo thẩm quyền; trao đổi về những chủ trương, chính sách, kế hoạch thực hiện của huyện về đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, phát triển kinh tế, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.