(HNMĐT)- Yên Viên là một làng thuộc xã Tiểu Hoa Lâm (gồm ba làng : Yên Viên, Ái Mộ và Lã Côi), tổng Đặng Xá, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ tháng 11 - 1831 đổi là tỉnh Bắc Ninh). Đầu thời Vua Duy Tân (1907 - 1915), Ái Mộ tách ra thành xã riêng, xã Tiểu Hoa Lâm còn hai thôn Yên Viên và Lã Côi và đổi tên thành xã tiểu Lâm, có dân số trung bình (năm 1928 có 1169 nhân khẩu).
![]()
(HNMĐT)- Yên Viên là một làng thuộc xã Tiểu Hoa Lâm (gồm ba làng : Yên Viên, Ái Mộ và Lã Côi), tổng Đặng Xá, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ tháng 11 - 1831 đổi là tỉnh Bắc Ninh). Đầu thời Vua Duy Tân (1907 - 1915), Ái Mộ tách ra thành xã riêng, xã Tiểu Hoa Lâm còn hai thôn Yên Viên và Lã Côi và đổi tên thành xã tiểu Lâm, có dân số trung bình (năm 1928 có 1169 nhân khẩu).
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Yên Viên nằm trong xã Tiền Phong, gồm các làng : Yên Viên, Ái Mộ, Lã Côi, Kim Quan Đông và Cống Thôn (vốn là một bộ phận của làng Tình Quang bị cắt sang do xẻ dòng sông Thiên Đức từ năm 1856). Năm 1961, xã Tiền Phong được chuyển về thành phố Hà Nội; năm 1961 đổi làm xã Yên Viên.
Yên Viên xa xưa gọi là trại Yên Viên, thuộc Tiểu Hoa Lâm trang. Không rõ từ bao giờ đổi gọi thành làng Yên Viên thuộc Tiểu Hoa Lâm xã. Tục truyền, năm 40 Sau Công nguyên, Hai Bà Trưng trên đường đi đánh giặc Hán đã đến trại Yên Viên bên sông Thiên Đức, thấy một vị thần từ dưới sông hiện lên, mình mặc áo vàng, đai tía, đội mũ tía, tay cầm trượng thần, xưng với Hai Bà rằng, là con cháu Vua Hùng, hiệu là Long Linh thủy thần, được giao quản trị phương dân vùng này và làm thành hoàng ở đây, sẽ âm phù Hai Bà giết được Tô Định, thu phục đất nước. Hôm đó là ngày mồng 3 tháng Ba. Về sau, Hai Bà thắng trận, sức cho dân làng lập miếu thờ ven sông Thiên Đức. Về sau, vào năm 981, Lê Hoàn đánh nhau với giặc Tống trên sông Thiên Đức ở địa phận Yên Viên. Thế giặc mạnh, bỗng nhiên, thấy thần mặc áo đỏ hiện lên, tay cầm trượng chỉ xuống nước, các loài thủy tộc nổi lên nhấn chìm hết quân Tống. Vua bèn sắc phong cho thần. Trước đây, hội làng hàng năm diễn ra từ mồng 3 đến 12 tháng Ba để kỷ niệm ngày thần báo mộng.
Yên Viên nằm trên vị trí giao thông quan trọng từ Kinh đô Thăng Long ngược lên phía Bắc : đường bộ có đường Thiên lý lên Lạng Sơn (nay là Quốc lộ số 1). đường thủy có bến sông Thiên Đức (ở làng ái Mộ kề cận Yên Viên) có thể ngược xuôi mọi ngả. Vị trí này giúp cho làng phát triển việc buôn bán. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp chiếm ruộng của làng để lập ga Yên Viên trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn càng làm cho việc buôn bán phát triển, do một lượng lớn người từ các nơi về đây lập nghiệp (nay là thị trấn Yên Viên). Ngoài buôn bán, dân làng vẫn làm ruộng và đặc biệt có nghề làm tương rất ngon, hơn cả tương làng Phú Thị được ghi trong sách Kinh Bắc phong thổ ký.
Thời cận đại, làng Yên Viên nổi lên với nhân vật Nguyễn Khắc Cần (1875 - 1913). Ông đỗ Nhị trường kỳ thi Hương, dạy học một thời gian rồi tham gia Việt Nam Quang phục hội - một tổ chức do Phan Bội Châu thành lập (năm 1905) có tôn chỉ mục đích là đánh Pháp, giành độc lập dân tộc và thiết lập nền cộng hòa dân chủ cho nước Việt Nam. Nguyễn Khắc Cần từng sang Trung Quốc cùng Phan Bội Châu. Năm 1912, ông cùng Phạm Văn Tráng nhận nhiệm vụ đem tạc đạn về nước để trừng trị một số tên Việt gian và thực dân. Ngày 12 - 4 - 1913, ông Phạm Văn Tráng đã ném bom tại khách sạn Thái Bình giết chết tên Tuần phủ tỉnh này là Nguyễn Duy Hàn. 14 ngày sau (26 - 4 - 1913), xảy ra vụ ném bom tại khách sạn Hà Nội ở phố Tràng Tiền do Nguyễn Văn Túy thực hiện, giết chết hai sĩ quan Pháp. Sau đó, thực dân Pháp truy lùng.
Nguyễn Khắc Cần cùng các đồng chí trốn sang Trung Quốc, nhưng bị bắt ở biên giới Lạng Sơn. Ông đã nhận mình là người trực tiếp ném bom khách sạn Tràng Tiền để Nguyễn Văn Túy thoát tội. Vì thế, ngày 5- 9 - 1913, Nguyễn Khắc Cần (cùng 6 người khác) bị kết án tử hình và đén ngày 24 - 9 bị bắn tại Hỏa Lò. Tên của ông được đặt cho một đường phố nối hai phố Tràng Tiền và Lý Thường Kiệt.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính