Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Yên Nội

ANHTHU| 23/06/2004 09:58

Yên Nội nay là một thôn của xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm; trước Cách mạng Tháng Tám thuộc tổng Cổ Nhuế. Làng ở phía Tây làng Mạc Xá, cùng một triền ven đê.Yên Nội có tên Nôm là Trại Noi.

Yên Nội nay là một thôn của xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm; trước Cách mạng Tháng Tám thuộc tổng Cổ Nhuế. Làng ở phía Tây làng Mạc Xá, cùng một triền ven đê.Yên Nội có tên Nôm là Trại Noi.

Theo lưu truyền dân gian, sau khi Vua cha Trần Thánh Tông xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán đi khai khẩn ruộng hoang (năm 1265), Công chúa Trần Thị Túc Trinh là con thứ tư của Thánh Tông đã rời nơi cung điện xa hoa ở Thăng Long, ra vùng phía Tây Bắc Kinh thành lúc đó còn nhiều đất hoang, chiêu tập dân nghèo, cấp cho họ tiền bạc để làm nhà ở, mua trâu bò, nông cụ, lương thực để khai hoang, phát triển sản xuất. Lúc đầu, bà lập ra xóm Vườn Trên và Trại Noi trên cánh đồng xã Cổ Nhuế. Về sau, dân các nơi đến ở ngày một đông, xóm Vườn Trên phát triển thành làng Cổ Nhuế Viên; còn Trại Noi chuyển thành làng Cổ Nội (sau đổi thành Yên Nội). Bà Túc Trinh làm nhà ở khu Vườn Dinh của làng Cổ Nhuế Viên. Bà sống cuộc đời giản dị với dân làng đến khi mất. Bà đã bỏ tiền để dựng ngôi chùa Thánh Quang có kết cấu “nội Công, ngoại Quốc”, rất bề thế nhìn ra cánh đồng làng Yên Nội. Chùa đã qua nhiều lần sửa chữa lớn. Trong chùa còn nhiều di vật quý, trong đó có quả chuông đúc vào tháng Hai năm Ất Hợi đời Tự Đức (1875) khắc nguyên văn bản Di chúc của bà Túc Trinh. Nội dung bản Di chúc nêu rõ, toàn bộ ruộng khai hoang được (323 mẫu) là của nhà chùa, chia cho các gia đình cày cấy, nếu ai cậy thế chiếm làm của riêng thì mọi người phải cùng nhau tố cáo lên triều đình để luận tội. Tuy nhiên, đến trước Cách mạng Tháng Tám, số ruộng này bị biến thành tư hữu, chỉ còn một vài mẫu ruộng đình, chùa. Nhớ công ơn của bà Túc Trinh, dân làng tôn bà là Bà Chúa, lập đền thờ. Hàng năm, đến ngày giỗ Bà (mồng hai tháng Tám), dân làng cúng bà bằng cơm gạo xay với muối vừng, để nhớ đến cuộc sống bình dị của Bà tại nơi thôn dã.

Đến đầu thế kỷ XX, dân số Yên Nội có 780 khẩu, người họ Nguyễn Quang chiếm đến ba phần tư. Dân làng sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng trong đồng, trồng rau trên các bãi cao. Đến mùa lũ, dân làng ra sông vớt củi, gỗ để bán.

Làng có ngôi đình khá bề thế ở cạnh chùa. đình thờ Bạch Hạc tam giang. Lệ thờ cúng thần ở đây cũng rất nặng nề (kéo dài ngày từ mồng 5 đến 16 tháng Hai), có tục giã bánh dày, làm bánh cuốn rất cầu kỳ. Trước khi làm bánh có cuộc thi gạo nếp : nếu trong đám gạo nếp bị thì cứ mỗi hạt gạo tẻ phải phạt một hào. Vì vậy, người giã bánh từ khi lúa được gặt về phải chọn rất kỹ. Thóc được xay giã bằng chày tay trong 5 - 6 đêm liền để hạt gạo không bị đớn. Người sửa lễ còn phải mổ lợn để trai đinh hàng giáp đến ăn rồi giã bánh.

Làng Yên Nội kết nghĩa với Cổ Nhuế, do có quan hệ nguồn gốc với làng này.

Thời cận đại, vào năm 1873, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, làng Yên Nội có ông Nguyễn Thung là người rất giỏi võ, đã tham gia trận phục kích ở Cầu Giấy, giết chết tên Đại úy F. Gác-ni -ê. Năm 1898, rất đông người Yên Nội tham gia cuộc khởi nghĩa do nhà sư Vương Quốc Chính khởi xướng. Trong trận đánh vào đồn Ngọc Hà ở Hà Nội năm đó, có 5 chiến sĩ làng Yên Nội hy sinh.

Thời hiện đại, từ năm 1941, Yên Nội là cơ sở cách mạng của nhiều đồng chí Trung ương. Trong các cuộc kháng chiến, Yên Nội có 30 người con đã hy sinh vì nên độc lập tự do của Tổ quốc.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Yên Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.