Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Yên Duyên

TUYETMINH| 16/01/2007 11:15

(HNMĐT)- Yên Duyên có tên Nôm là làng Mui. Tên chữ “Yên Duyên” vốn là “An Duyên”, bắt nguồn từ câu chuyện, Vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128), trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng.

(HNMĐT)- Yên Duyên có tên Nôm là làng Mui. Tên chữ “Yên Duyên” vốn là “An Duyên”, bắt nguồn từ câu chuyện, Vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128), trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền. Vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Vua cho rằng, đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình nhưng không gặp, bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương”.

Nhân đó, đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình). Ngoài vị thủy thần này, làng còn thờ Trần Khát Chân - vị võ tướng có nhiều công lao bảo vệ biên cương đất nước vào cuối thời Trần. Tương truyền, ông còn là người cắm đất, lập ấp, khoanh vùng cho dân tụ cư, cố định nơi ăn chốn ở mà trước đó, luôn hợp - tan, quần tụ - lưu tán không rõ ràng địa giới.

Yên Duyên là một làng rộng lớn, nằm ven sông Hồng, phía Nam Kinh thành Thăng Long, địa dư bao gồm cả làng Sở Thượng (hay Sở Lờ) ngày nay. Vào giữa thế kỷ XV, sau cuộc Nam chinh, Vua Lê Thánh Tông đưa một bộ phận tù binh Chiêm Thành ra đây khai khẩn vùng đất hoang của làng, lập thành một sở đồn điền của nhà nước. Về sau, sở này chuyển thành một làng độc lập, gọi là Sở Thượng. Năm 1928, làng có 1621 nhân khẩu.

Đầu thế kỷ XIX, Yên Duyên là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, sau đổi thành tỉnh Hà Đông). Năm 1961, làng nhập với làng Sở Thượng thành xã Yên Sở, huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Từ tháng 11-2003, xã Yên Sở trở thành một phường thuộc quận Hoàng Mai mới được thành lập.

Yên Duyên nằm ven sông Hồng, nên đất đai phần lớn là bãi bồi. Toàn bộ số đất này được chia thành 10 đỗi (10 phần, căn cứ vào thế đất kết hợp với chất đất). Đỗi thứ 9 và đỗi thứ 10 đất rất xấu nên làng chia thêm cho các giáp theo số lượng trai đinh. Tám đỗi còn lại chia thành hai dải, một dải chia cho các bô lão, tuần phiên và trai đinh, do bô cả (người cao tuổi nhất làng) nhận bắt thăm); một dải chia cho những người có phẩm hàm, chức tước, tư văn, do tiên chỉ bắt thăm.

Dân làng Yên Duyên chuyên canh nông nghiệp, song điều kiện thiên nhiên rất bất lợi. Trong đồng nửa năm bị úng, ngoài bãi nửa năm bị lụt, nên mùa màng thường thất bát. Để có thêm thu nhập, dân làng có thêm nghề đánh cá, vớt củi trên sông Hồng.

Hội làng Yên Duyên mở từ 13 đến 16 tháng Tám, có bơi thuyền trên khúc sông Hồng dài khoảng một cây số, diễn lại cảnh Vua Lý Nhân Tông gặp công chúa thủy thần. Có 8 đội bơi của 8 giáp, mỗi đội 18 người. Ngày thứ nhất bơi thử, ngày thứ hai bơi dạo, đến ngày thứ ba mới bơi thi. Cứ 4 đội bơi một lượt (một lèo), mỗi lèo bơi ba vòng để xác định đội nhất, nhì, ba, tư.
Sau hòa bình lập lại, Yên Duyên trở thành hợp tác xã điển hình của Thủ đô Hà Nội., nhất là về nuôi cá, từng được Bác Hồ tặng cá vớt từ ao cá trong Phủ Chủ tịch để gây giống.

PGS, TS, Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Yên Duyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.