(HNM) - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được coi là “ngôi nhà chung” - nơi hội tụ và giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, đa dạng của 54 dân tộc anh em trên địa bàn cả nước. Không những thế, nơi đây còn là một trong những điểm đến với nhiều hoạt động trải nghiệm. Nhưng để trở thành điểm đến hấp dẫn đáng lựa chọn khi du khách tới Hà Nội thì còn khá nhiều việc phải làm...
Hấp dẫn “ngôi nhà chung”
Là một trong những gia đình ở xa nhất và gắn bó lâu nhất tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương (ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng) ban ngày biểu diễn kịch rôbăm giới thiệu với du khách loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer, buổi tối lại quây quần chuẩn bị nguyên liệu làm cốm dẹp, bánh tét, bánh xèo để hôm sau bán cho du khách làm quà mang về.
Bà Lâm Thị Hương chia sẻ, nếu chỉ có một vài khách tới thăm nhà thì gia đình sẽ diễn kịch ngay trong ngôi nhà truyền thống của người Khmer, còn thường vào cuối tuần, dịp lễ hội hay khi có đoàn khách, các nghệ nhân rôbăm lại biểu diễn ngoài sân rộng, bãi cỏ để mọi người có thể thưởng thức. Không chỉ bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống tưởng như thất truyền của dân tộc mình, gia đình còn làm du lịch cộng đồng, đưa không gian văn hóa Khmer trở thành nơi thu hút du khách tới với “ngôi nhà chung”.
Cứ mỗi dịp cuối tuần, chuyến xe buýt 107 nối từ trung tâm thành phố Hà Nội tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lại đông vui, tấp nập. Có vị trí gần thành phố nên nơi đây giờ đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong lịch trình tour một ngày tham quan ngoại thành Hà Nội của các công ty du lịch, đơn vị lữ hành, trong đó đông nhất là học sinh, sinh viên tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế, tìm hiểu văn hóa kết hợp dã ngoại. Tới mỗi ngôi làng, các em và du khách được giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc như: Hệ thống nhà rông, nhà sàn, phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi, các nghi lễ tôn giáo, các trang phục đặc trưng của mỗi dân tộc. Với những không gian rộng rãi, các em được tham quan, chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, tham gia các hoạt động dã ngoại, tổ chức chương trình vui chơi, hát, kể chuyện, đố vui, trò chơi khoa học lý thú phù hợp với lứa tuổi.
Có rất nhiều đoàn khách từ các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình theo các tour tới đây để tham quan, giao lưu văn hóa cùng đồng bào các dân tộc, cắm trại, dã ngoại cuối tuần. Theo Ban quản lý Khu các làng dân tộc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách tới đây đạt khoảng 316.000 lượt. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu các làng dân tộc cho biết, 64% lượng khách hiện nay lên Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là khách đi theo tour của các công ty lữ hành và khách đoàn. Một lượng khách tiềm năng và được chú trọng là học sinh, sinh viên trong các trường học.
Đầu tư để thu hút khách
Các hoạt động hằng ngày, cuối tuần tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam được xem là chìa khóa để các công ty lữ hành giới thiệu và đưa khách đến. Ông Đoàn Tuấn, Trưởng phòng Nội địa, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Hà Nội Toserco cho rằng, các chương trình thiết kế linh động, đa dạng trong ngày hoặc kết hợp du lịch cộng đồng, nghỉ tại Khu các làng dân tộc mang lại nhiều lựa chọn, phù hợp với nhiều nhóm khách. Điều quan trọng nhất là giá cả phải chăng, có thể tổ chức các hoạt động team - building (hoạt động tập thể) với quy mô khách lớn nên các công ty du lịch luôn ưu tiên chọn địa điểm này để xây dựng sản phẩm.
Cùng với nhu cầu tìm hiểu văn hóa, tại Khu các làng dân tộc, đồng bào các dân tộc đã tích cực cải tạo không gian quanh nhà để trồng rau, nuôi gà, cải tạo những đồi hoang thành những vườn chè xanh... giống như ở quê nhà. Du khách có thể cùng tham gia vào công việc hằng ngày với đồng bào, tự tay ra vườn hái rau sạch, bắt gà trong chuồng, vào bếp nấu ăn, dệt thổ cẩm... Là người thường tổ chức cho gia đình đi chơi cuối tuần, chị Nguyễn Thị Thu Loan (Học viện Tài chính, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị rất thích đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để thưởng thức ẩm thực của các vùng miền do chính những gia đình đồng bào đang sinh sống tại đây thực hiện. “Tôi đã từng tham gia các phiên chợ nổi, chợ vùng cao Tây Bắc hay xem các chương trình tái hiện lễ hội của đồng bào các dân tộc, mọi hoạt động đều rất ấn tượng. Một ngày trải nghiệm các hoạt động tại đây giống như được đi cả một hành trình dài, khám phá văn hóa các vùng miền”, chị Loan cho biết.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đánh giá, thời gian qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đầu tư cho không gian văn hóa, cảnh quan, tổ chức các sự kiện một cách bài bản; thường xuyên cập nhật hệ thống thông tin đến với doanh nghiệp lữ hành nên hoạt động đưa khách về đây đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh dòng khách chủ đạo do các công ty lữ hành đưa tới, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần nâng cao chất lượng, thu hút dòng khách lẻ thông qua việc quảng bá, tổ chức các sự kiện.
Nhiều du khách, đặc biệt là nhóm khách trẻ từ các địa phương cách xa Hà Nội cho rằng, việc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam liên tục cập nhật thông tin trên mạng xã hội, báo chí đã giúp du khách dễ dàng tìm hiểu các chương trình, lễ hội diễn ra tại đây để chủ động sắp xếp lịch trình tham quan. Tuy nhiên, so với nhiều khu du lịch ngoại thành Hà Nội được đầu tư bài bản từ cảnh quan, hoạt động vui chơi giải trí tới khâu quảng bá thì Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ. Do đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần đổi mới hơn nữa để tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch nhiều hơn trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.