Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Tu Hoàng

TUYETMINH| 19/12/2007 10:37

(HNMĐT)- Làng Tu Hoàng tên Nôm là làng Nhổn, nằm ven Quốc lộ 32 từ Cầu Giấy đi thành phố Sơn Tây. Đầu thế kỷ XIX, Tu Hoàng là một xã thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn (từ tháng 11 năm 1831 là tỉnh) Sơn Tây.

(HNMĐT)- Làng Tu Hoàng tên Nôm là làng Nhổn, nằm ven Quốc lộ 32 từ Cầu Giấy đi thành phố Sơn Tây. Đầu thế kỷ XIX, Tu Hoàng là một xã thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn (từ tháng 11 năm 1831 là tỉnh) Sơn Tây. Đến năm Canh Dần đời Thành Thái (năm 1890), huyện Đan Phượng được cắt về tỉnh Hà Nội (vùng đất ngoại thành tỉnh Hà Nội được lập năm 1831; năm 1902, tỉnh này được gọi là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Trong kháng chiến chống Pháp, Tu Hoàng nằm trong xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, Tu Hoàng thuộc xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. Tháng 6 - 1961, thôn Tu Hoàng được cắt về xã Xuân Phương thuộc huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tu Hoàng là làng nhỏ (năm 1928 làng mới chỉ có 539 nhân khẩu). Trong làng có nhiều dòng họ, nhưng đông nhất và có thế lực nhất là họ Vương, họ Đàm. Làng có 5 xóm. Trai đinh trước kia sinh hoạt trong hai giáp Đông và Đoài.

Dân làng Tu Hoàng xưa kia làm ruộng đồng mùa. nhưng do nằm ở giao điểm giữa đường Thiên lý từ Thăng Long đi trấn lỵ Sơn Tây (tức Quốc lộ 32 hiện nay) với đường 70 từ Hà Đông - Đại Mỗ lên đê sông Hồng ở làng Thượng Cát nên làng có lợi thế về buôn bán. Từ giữa thế kỷ XVII tại giao điểm này đã hình thành phố Nhổn, chủ yếu bán hàng ăn uống, giải khát cho khách vãng lai. Xứ đồng có phố Nhổn hiện nay xưa gọi là xứ Hàng Cơm. Song cũng chính địa thế này đặt ra cho việc bảo vệ an ninh của làng rất bức thiết. Làng đã sớm hình thành băn hương ước (bản sớm nhất hiện còn lưu được lập năm 1785 gồm 28 điều, năm 1786 bổ sung 16 điều, năm 1805 bổ sung 9 điều; năm 1811 bổ sung 31 điều; 1814 bổ sug 11 điều; các năm 1843; 1854, 1873, 1886 đều có điều bổ sung; đến 1915 sửa thêm 11 điều. Trong các lần soạn và bổ sung này đều dành một số lượng lớn các điều về bảo vệ an ninh (bản soạn năm 1785 dành toàn bộ 28 điều về việc này). Các trai đinh từ 18 - 49 tuổi đều phải thay nhau chia làm bốn phiên đi tuần, trong đó đáng lưu ý nhất là có điều khoản quy định ưu đãi với tuần phiên : dịp thờ thần mổ trâu bò, tuần phiên được biếu một đùi, 6 đấu gạo xôi, 1 vò rượu. Để ngăn chặn các tệ nạn ở phố Nhổn, điều 12 quy định : “Hàng cơm là nơi vãng lai đông đúc không được bán rượu; nếi vi phạm tuần phiên bắt được phạt 3 mạch tiền cổ , tuần phiên giữ lại số rượu đó để uống thì cũng bị phạt như vậy”.

Làng Tu Hoàng xưa có ngôi đình hướng Tây, sau chuyển hướng Nam. Đến năm năm Tự Đức thứ bảy (1854) chuyển lại hướng cũ. Đình gồm tòa Phương đình, Đại đình và Hậu cung. Đinh thờ Lý Nam Đế (theo những tư liệu mới nhất thì quê ở làng Giang Xá (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, cách làng Tu Hoàng vài cây số) đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc Lương, lập ra nước Vạn Xuân (năm 545). Đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1990.

Làng Tu Hoàng có hai chùa : Linh Hội và Càn Phúc. Làng có lệ từ thời Lê : vị sư nào muốn vào một trong hai chùa này trụ trì thì phải nộp 6 quan tiền cổ tiền thời Cảnh Hưng 1740 - 1786), cúng lễ 30 chiếc oản cùng gà rượu trị giá 3 mạch tiền. Mỗi chùa có 1 sào ruộng hương đăng do làng cấp, ngoài ruộng của những người đặt hậu. Hiện nay, hai chùa nhập làng một, gọi chung là chùa Nhổn, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1992.

Thời Lê, làng Tu Hoàng chỉ có một số người đỗ giám sinh. Đến thời Nguyễn làng có ông Đàm Xuân Hướng (1873 - ?) đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu đời Duy Tân (năm 1909), làm quan đến chức Hàn lâm viện Điển tịch, song ông chuyên vào việc dạy học.

Tu Hoàng hiện đang trên con đường đô thị hóa nhanh. Khu vực phố Nhổn là nơi buôn bán đông đúc. Trên địa phận làng có nhiều cơ quan lớn đóng như Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia I, trường Đại học Công nghiệp...

PGS, TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Tu Hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.