(HNMĐT)- Làng Trạm nằm ở ven bờ Bắc sông Hồng, đối ngạn với đường Trần Nhật Duật, đầu phố Nguyễn Khoái ở bờ Nam thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng. Khu cư trú của làng hiện nay nằm sát và ở phía trong đoạn đê từ cầu Chương Dương xuống Thổ Khối - Bát Tràng
Con đê cũ từ đầu cầu Long Biên về làng Lâm Du (Bồ Đề) vòng sau các làng Ô Cách (nay là sân bay Gia Lâm), Trạm, Tư Đình, Nha về Đông Dư - Thổ Khối. Năm 1925, sau một trận lụt lớn làm vỡ đê, đoạn đê này phải bỏ để đắp đê mới, chính là đoạn từ cầu Long Biên qua trước mặt các làng Trạm, Tư Đình, Nha về Thổ Khối - Bát Tràng hiện nay. Đê cũ không còn tác dụng chắn nước lũ sông Hồng nên gọi là “Đê sau”. Dân làng xưa kia chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô và lúa lốc trên đất bãi (là đất công, để chia cho các trai đinh trong làng, mỗi người 2 sào). Xa xưa, dân làng có nghề dâu nuôi tằm.
Trạm là một làng cổ. Theo bản thần tích về Tương Liệt đại vương còn lưu thì vào đầu Công nguyên, Trạm là trung tâm của trang Cổ Linh - một trang lớn, gồm năm cụm dân cư, là năm làng : Trạm, Tư Đình, Nha, Ô Cách và Sài Đồng (thuộc hai phường Long Biên và Sài Đồng của quận Long Biên ngày nay). Năm 43 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược Hán, chiêu tập được đông đảo các hào trưởng, các tướng lĩnh tài ba. Trong số họ có ông Nguyễn Thành Công quê ở trang Bích Thủy (nay huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) là người văn võ toàn tài, được Hai Bà phong làm Tương Liệt đại vương và được phong thực ấp tại Gia Lâm. Ông đã đến làng Trạm, thấy đất đai bằng phẳng, màu mỡ, cuộc sống đầy đủ, phong tục thuần hậu, bèn lập sinh từ tại đây, cho dân trang 12 nén bạc để đào ao, san ruộng, dựng các công trình chung; lại tâu xin Hai Bà Trưng cho làng Trạm cũng như trang Cổ Linh làm “Hộ nhi hương”, được miễn thuế, phu phen tạp dịch để lo việc thờ cúng. Sau khi nhà Hán sai Mã Viện đem đại binh chiếm lại nước ta, Nguyễn Thành Công chiến đấu tại chiến trường Lạng Sơn, rồi hy sinh tại huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Dân trang Cổ Linh (gồm năm làng nêu trên) thương tiếc và biết ơn ông, hàng năm cùng tổ chức tế Ngài vào ngày 15 tháng Hai (ngày sinh) và 15 tháng Bảy (ngày hóa) tại ngôi sinh từ mà ông cho dựng, sau này dân làng cải tạo thành ngôi đình. Đình có quy mô lớn, 5 gian cột lim. Trước kia vào những ngày này, dân bốn làng : Nha, Tư Đình, Ô Cách, Sài Đồng phải rước kiệu về đình Trạm để tế hội đồng. Song rất tiếc, ngôi đình này hiện không còn, chính là khu vực trụ sở UBND phường Long Biên hiện nay. Ngoài ra, làng còn thờ Lê Hiển (Hoằng Nghị chiêu cảm chiêu ứng) song không rõ sự tích.
Làng Trạm nằm trong một vệt làng ở bờ Bắc sông Hồng, từ Phú Viên- Bồ Đề - Trạm đến làng Nha, đối diện với Kinh đô Thăng Long ở bờ Nam. Các làng này lại nằm kề cận con đường Thiên lý từ các trấn phía Bắc và phía Đông về Thăng Long nên có một vị trí rất quan trọng với Kinh đô từ thời Lê Sơ trở đi, trong đó Trạm là trạm cuối cùng trên con đường Thiên lý nêu trên (thời phong kiến, trên các con đường lớn về Kinh đô, cứ 25 dặm, Nhà nước đặt một trạm để quan lại đi về Kinh được nghỉ ngơi, cũng là trạm để chuyển đệ công văn, giấy tờ từ các trấn - tỉnh về Kinh đô và ngược lại).
Trạm là một làng nhỏ, suốt thời phong kiến luôn là một thôn của xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Bắc Ninh). Năm 1889, xã Cổ Linh chia thành hai xã : Cổ Linh và Sài Đồng.
Trong kháng chiến chống Pháp, làng Trạm nằm trong xã Phi Trường huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên (từ năm 1949 lại cắt về tỉnh Bắc Ninh). Sau hòa bình lập lại, xã Phi Trường (được điều chỉnh lại, còn bốn thôn, tức làng cũ là : Nha, Trạm, Tư Đình và Thạch Cầu - vốn là một bộ phận của làng Cầu Bây chuyển xuống) đổi tên thành xã Long Biên thuộc quận VIII ngoại thành Hà Nội. Tháng 5 - 1961, khi tổ chức lại các huyện ngoại thành, xã Long Biên được cắt về huyện Gia Lâm. Tháng 11- 2003, khi quận Long Biên được thành lập., xã Long Biên được chuyển thành một phường của quận này.
PGS. TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.