(HNMĐT) - Làng Thuỵ Lôi tên Nôm là làng Nhồi, tên gốc là Ma Lôi. Cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, làng có tên là Xuân Lôi, cũng là một xã thuộc tổng Hương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 trở đi đổi thành tỉnh Bắc Ninh).
(HNMĐT) - Làng Thuỵ Lôi tên Nôm là làng Nhồi, tên gốc là Ma Lôi. Cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, làng có tên là Xuân Lôi, cũng là một xã thuộc tổng Hương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 trở đi đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm Bính Tý đời Tự Đức (1876), Xuân Lôi được nhập vào tổng Xuân Nộn thuộc huyện Đông Anh mới được thành lập thuộc tỉnh Phúc Yên. Đến đời Đồng Khánh (1886 - 1888) Xuân Lôi đổi tên thành Thụy Lôi. Năm 1926, làng có 2230 nhân khẩu.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thụy Lôi nhập với các làng Đào Thục và Thư Lâm thành xã Thụy Lâm thuộc huyện Đông Anh , tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Từ đầu tháng 6 - 1961, xã Thụy Lâm cùng 22 xã khác của huyện Đông Anh được chuyển về về thành phố Hà Nội.
Thụy Lôi là một làng cổ, một trong những làng in đậm truyền thuyết về An Dương Vương. Tại làng có núi Sái, trên núi có đền thờ Trấn Vũ - vị thần được thờ ở đền Quán Thánh thuộc quận Ba Đình. Tương truyền, An Dương Vương xây thành Cổ Loa, cứ gần hoàn thành thì lại bị đổ, nhiều lần tốn công tốn sức mà không xong. Sau Vua lên cầu ở đền Trấn Vũ trên núi Sái thì được thần báo rằng có gà trắng trên núi Thất Diệu làm hại. Sau đó, thần đã giúp An Dương Vương diệt được “bạch kê”, thành được xây lại mà không bị đổ. Nhớ công ơn của thần, sau khi xây xong thành Cổ Loa, An Dương Vương làm lễ hậu tạ vào ngày mồng 9 tháng Giêng và lễ này được duy trì hàng năm. Làng Thụy Lôi cũng tổ chức đón tạ An Dương Vương có công dựng thành Cổ Loa, lập nước Âu Lạc, bằng lễ rước vua sống (cử một người có dung nhan đạo mạo, phúc hậu, vợ chồng song toàn, có uy tín với dân làng làm “vua” và được dân làng rước từ đền về đình). Đây là làng duy nhất trên miền Bắc có tục rước vua sống. Về sau, khi An Dương Vương mất, nước Âu Lạc không còn, nhưng dân làng Thụy Lôi vẫn duy trì tục này. Vào ngày này, làng Cổ Loa cũng cử đoàn chức sắc, bô lão lên tế ở đền trên núi Sái. Các tục này vẫn được duy trì đến ngày nay.
Làng Thụy Lôi có ông Lê Tuấn Mậu (? - 1526) đỗ Hoàng giáp khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức, đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1490); từng được cử đi sứ sang nhà Minh; làm quan đến Thượng thư bộ Hộ, kiêm Đô Ngự sử. Tháng Chạp năm ?t Dậu, niên hiệu Thống Nguyên, đời Vua Cung Hoàng (khoảng đầu năm 1526), Mạc Đăng Dung đang củng cố thế lực, thanh trừng các lực lượng đối lập, chuẩn bị thoán ngôi nhà Lê, đã bức ông vào triều. Lê Tuấn Mậu với tư tưởng trung quân đã giấu đá trong ống tay áo, vào trong cung đã lấy đá ném vào Đăng Dung nhưng không trúng, sau đó bị Đăng Dung giết chết. Tháng Một năm Cảnh Trị thứ tư (1666), Lê Tuấn Mậu cùng 12 bề tôi khác chết trong việc chống Mạc để trung hưng nhà Lê được tuyên dương là “Bầy tôi tử tiết”, phong Phúc thần, lập đền thờ ở làng, tứ thời bát tiết tế tự như thể lệ tế bách thần, con cháu họ được lựa chọn những người có đức hạnh để bổ dụng, còn những người khác thì được miễn trừ lực dịch. Đền thờ này đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa (năm 1990).
TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.