Thù Lỗ (tên Nôm là Giỗ Thù) là một làng nhỏ, trước Cách mạng Tháng Tám chỉ có hơn 200 dân, nhưng vào đầu thế kỷ XIX là một xã độc lập thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Sau Cách mạng, làng nhập với các xã Hà Lỗ, Lỗ Khê thành xã Ngũ Hà, đến tháng 5 - 1949, xã Ngũ Hà hợp với xã Hà Vĩ thành xã Liên Hà, từ tháng 5 - 1961, xã Liên Hà được chuyển về huyện Đông Anh.
Ảnh: Phương Thảo |
Thù Lỗ (tên Nôm là Giỗ Thù) là một làng nhỏ, trước Cách mạng Tháng Tám chỉ có hơn 200 dân, nhưng vào đầu thế kỷ XIX là một xã độc lập thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Sau Cách mạng, làng nhập với các xã Hà Lỗ, Lỗ Khê thành xã Ngũ Hà, đến tháng 5 - 1949, xã Ngũ Hà hợp với xã Hà Vĩ thành xã Liên Hà, từ tháng 5 - 1961, xã Liên Hà được chuyển về huyện Đông Anh.
Làng Thù Lỗ nằm ven con đầm lớn, vốn là nhánh sông cụt của của sông Hoàng Giang. Tại đầu làng xưa kia có bến Thù thuyền bè khá sầm uất, hợp cùng với bức thành cao tạo ra một cảnh khá đẹp. Trong đình còn đôi câu đối khắc gỗ ca ngợi đất lành chim đậu của làng và năm tu sửa đình:
Cưu tập ngưỡng thần công, Dần nguyệt Thân niên tu lý,
Phượng lai chung tú khí, Thù tân Lỗ bích lưu huy.
(Chim cưu tụ, ngưỡng công thần, tháng Dần, năm Thân đình sửa lại,
Phượng về thêm khí đẹp, bến Thù ,thành Lỗ được nguy nga).
Thù Lỗ được lập thành bởi 6 họ chính là Ngô Đình, Ngô Tuấn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thọ, Nguyễn Đức và Nguyễn Văn, trong đó họ Ngô Đình đông đinh nhất, còn họ Nguyễn Văn ít đinh nhất. Làng có 3 xóm : Đầu làng, Chỗ và Cuối làng. Trai đinh trong làng xưa được chia thành 2 giáp: Nhạc và Lễ, dân làng quen gọi theo chỗ ngồi của từng giáp ở đình là giáp Đông và giáp Tây. Mỗi giáp có 4 ông chạ (người ở tuổi 49 trở xuống) để lo việc tế lễ trong đình.
Thù Lỗ là một làng nhỏ, nhưng lệ tục của làng xưa kia rất nặng nề. Mỗi người trai đinh ở làng từ khi vào giáp đến khi lên lão (60 tuổi) lần lượt phải gánh vác các nghĩa vụ lớn nhất là : nuôi lợn phe (phân bổ theo giáp), nuôi lợn đô (cắt theo sổ của làng), để tế thần tháng Giêng, làm cỗ chay (hay cỗ lớn), cắt cho 4 người ở trước tuổi 49. làm cỗ chầu (cắt cho những người chạ. Xưa kia nhiều người không gánh nổi nghiqx vụ với làng phải bỏ làng ra đi. Cũng theo lệ làng, những người đỗ đạt (Nho học và Tây học), quan lại hưu trí đều phải khao vọng rất nặng.
Đình làng xưa có kết cấu chữ “Nhị” gồm nhà tiền tế và đại đình. Hiện chỉ còn đại đình 5 gian hướng Tây Nam. Kiến trúc và điêu khắc đình tương đối đơn giản. Căn cứ vào hàng chữ trên câu đầu và đôi câu đối thì vào năm Nhâm Thân, đời Tự Đức (1872) đình được tu sửa lớn. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh, dân làng thường gọi là Thánh Trung Tản. Khi đem quân đánh lại nhà Thục phò nhà Hùng, Tản Viên đã qua làng Thù Lỗ, được các phụ lão và dân trang xin làm đệ tử và xin phụng sự về sau.
Hội làng Thù Lỗ diễn ra từ 12 đến 21 tháng Giêng, có thi lợn, đón quan anh kết nghĩa Dâm Biểu (huyện Yên Phong), các trò chơi dân gian.
Thù Lỗ xưa chỉ sống bằng nghề nông, không có nghề phụ, lệ tục làng xã rất nặng nề nên đời sống dân làng rất thấp kém. Từ năm 1996, nhờ công cuộc đổi mới, Thù Lỗ nhập kỹ thuật làm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp từ Đồng Kỵ, Phù Khê. Các sản phẩm đồ gỗ của làng đã trở thành hàng hoá tiêu thụ trên một thị trường rộng lớn. Ngoài làm nghề ở quê hương, hàng chục tốp thợ mộc của làng toả đi khắp các địa phương trong cả nuớc. Thù Lỗ nay đã trở thành một làng giàu. Tính đến hết năm 2003, làng có 119 hộ thì 1 hộ có thu nhập trên 50 triệu / một năm, 45 hộ có mức thu 31 - 50 triệu, 1 hộ có mức thu 16 – 30 triệu, 28 hộ có mức thu 10 – 15 triệu, 35 hộ có mức thu 6 - 9 triệu. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa toàn bộ, nhà tầng, nhà máu bằng mọc lên san sát. Các tiện nghi đắt tiền được sắm ở hầu hết các gia đình.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính