Theo lưu truyền từ nhiều đời nay thì dân làng Thịnh Quang vốn từ làng Sở (nay là xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây) ra Thăng Long kiếm sống. Họ lập một trại ở giữa cãc làng Láng và Khương Thượng, Khương Trung, dần dần thành làng, lấy tên làng cũ đặt cho tên làng mới, gọi là làng Sở.
Theo lưu truyền từ nhiều đời nay thì dân làng Thịnh Quang vốn từ làng Sở (nay là xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây) ra Thăng Long kiếm sống. Họ lập một trại ở giữa cãc làng Láng và Khương Thượng, Khương Trung, dần dần thành làng, lấy tên làng cũ đặt cho tên làng mới, gọi là làng Sở.
Ngã Tư Sở về sau hình thành là để gọi nơi giao nhau giữa đường Láng và đường từ Kinh đô Thăng Long ra, ở ngay làng Sở. Địa dư của làng xưa kia khá rộng, nhưng dân cư ít nên về phương diện hành chính vẫn chỉ là một trại (chưa trở thành phường hay xã), đầu thế kỷ XIX, thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức.
Lớp cư dân gốc của làng thuộc ba họ : Trần, Nguyễn, Đoàn, lúc đầu, chuyên sống bằng nghề đan lát thuê (đan phên là chính) cho các cửa hàng trên phố phường Thăng Long, sau vỡ đất làm ruộng. Ruộng trong ấp đa phần là ruộng công. Cho đến đầu thế kỷ XX, làng vẫn còn đến 95 mẫu ruộng công điền, chia cho các gia đình, 3 năm chia một lần, đến trước Cách mạng Tháng Tám mỗi người vẫn được chia hơn 1 sào. Đồng ruộng của ấp thuộc loại tốt, đại bộ phận cấy được 2 vụ, mỗi vụ mỗi sào được 4 thùng (khoảng 90 kg thóc). Vì vậy ruộng ở đây rất đắt và khó mua nên nam giới vẫn phải sống thêm bằng nghề đan thuê, phụ nữ thì đi buôn, chủ yếu là buôn tôm cá.
Đầu thế kỷ XX, nam giới trong làng học được nghề cắt tóc từ làng Kim Liên, một số người học được nghề tiện, nguội nên nghề đan thuê mất dần. Đầu thập kỷ 20, một người vào Sài Gòn và các tỉnh miền Nam buôn bán phát đạt, mua được nhà lầu, mở tiệm ăn, khách sạn rồi đưa người nhà vào làm ăn. Phần lớn những ngôi nhà ngói của làng trước Cách mạng đều nhờ tiền làm ăn phát đạt từ trong Sài Gòn chuyển ra.
Tổ chức làng của Thịnh Quang trước Cách mạng vẫn theo mô hình của làng xã nông thôn. Làng có ba xóm: Đình, Giữa, Dưới và hai giáp (Đông và Đoài). Hội đồng kỳ mục, tuần phiên, các lệ tục tang ma, cưới xin, khoa vọng… đều như làng xã nông thôn. Đình làng thờ Ngọc Thủy Tinh công chúa - một vị thiên thần. Làng có chùa Phúc Khánh là một chùa lớn nằm ven đường Láng. Theo quan niệm phong thuỷ thì đình nằm trên mình con rồng nên rất thiêng.
Khi quân Tây Sơn kéo quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long vào dịp Xuân Kỷ Dậu - 1789, đình và chùa Thịnh Quang là nơi trú chân của một cánh quân phía Tây do Đô đốc Trần Văn Phong chỉ huy. Sau khi đánh tan quân Thanh, vào năm Bính Thìn (1796), Đô đốc Trần Văn Phong cùng vợ cả là Đỗ Thị Hương và các con trai là Trần Văn Long, Trần Văn Tựbỏ ra một số đồ đồng để thuê thợ đúc chuông và tượng Cửu long, lưu lại cho đời sau mãi mãi làm kỷ vật.
Theo các sách Đăng khoa lục, thời phong kiến, làng Thịnh Quang có bốn người đỗ Tiến sĩ :
- Phạm Mật (1456 - ?), đỗ khoa Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức (1493) làm quan đến Thừa chính sứ.
- Nguyễn Bỉnh Đức, đỗ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận đời Lê Tương Dực (1514), đến chức Thượng thư, Thiếu phó kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Quận công.
- Nguyễn Hồ Hiệp (1703 - ?), đỗ Hội nguyên, Hoàng giáp khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức đời Lê Thuần Tông (1733), làm quan đến chức Đãi chế.
- Vũ Đình Dung (1699 - ?), đỗ cùng khoa với Nguyễn Hồ Hiệp, làm quan đến chức Hàn lâm viện Thừa chỉ.
TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.