Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng “săn” chuột Canh Nậu

Nguyễn Mai| 08/05/2011 04:34

(HNM) - Chẳng biết từ bao giờ, vùng đất cổ Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã tồn tại một nghề vừa bảo vệ mùa màng, vừa là "cần câu cơm" của nhiều gia đình - là nghề "săn" chuột. Cũng không ở nơi nào, thịt chuột lại trở thành món ăn "khoái khẩu" trong bữa cơm, bữa nhậu của nhiều người dân đến vậy.

Cả làng đi "săn" chuột

Nói về nghề “săn” chuột quê mình, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Đức Tài cho biết: Xưa kia Canh Nậu chỉ có nghề làm ruộng nhưng hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, mùa mưa đồng ruộng thường xuyên bị ngập úng, chỉ cấy được một vụ lúa. Thời gian nông nhàn, dân làng tổ chức hội hè, săn bắt cá, chuột kiếm sống. Khi đó, vào mùa mưa, các hang chuột đều bị ngập nước, chuột đồng lũ lượt kéo nhau lên các mô đất cao để ở. Lúc này thì dân làng chỉ việc quây rơm, đốt trụi cả gò đất nổi và sau đó đi lượm chuột thui. Sau này, người Canh Nậu bắt chuột quanh năm, nhưng "xôm" nhất là vào độ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch). Đây cũng là lúc vụ mùa mới thu hoạch xong, chuột mẹ, chuột con béo tròn nung núc.

Thịt chuột được chế biến thành món ăn khoái khẩu ở xã Canh Nậu.

Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Đăng Soạn dẫn chúng tôi đi một vòng thăm những gia đình thường xuyên có người đi "săn" chuột. Họ đều không có nhà. "Có lẽ họ đã đi "săn" chuột cả rồi. Ở Canh Nậu có người coi bắt chuột là nghề kiếm sống. Hằng ngày họ đi khắp cánh đồng có khi đi xa nhà hàng chục cây số để "săn" chuột về bán. Nhưng cũng có người "săn" chuột chỉ để thỏa cái thú ham" - ông Soạn cho biết. Nằm ở đội 4, nhà anh Đỗ Đăng Thư có nghề làm mộc và cho thuê phông bạt, bát đũa. Công việc nhiều, song sau những ngày lao động mệt mỏi, những ngày mất điện không sản xuất được anh lại cùng anh em trong xóm đi "săn" chuột. Anh Thư cho biết: "Có ngày tôi bắt được cả yến chuột, về thịt ăn không hết đem chia bớt cho hàng xóm; nhưng cũng có ngày chẳng bắt được con nào. Cái thú "săn" chuột thành thói quen rồi, lâu lâu không vác cuốc đi bắt chuột là chân tay ngứa ngáy".

Theo chân các trai làng đi "săn" chuột, chúng tôi được giới thiệu qua về quy trình. Bắt đầu là đồ nghề để "săn". Rất đơn giản, chỉ cần chiếc cuốc, thuổng, vợt, vài bó rơm khô để hun hoặc không có rơm thì thay bằng xô nước đổ vào hang cho chuột chui ra... Sau khi "tóm gọn", chuột được bẻ răng ngay tại "hiện trường" trước khi cho vào những chiếc xiểng đan bằng tre. Nhưng quan trọng nhất vẫn là một chú chó thật tinh khôn. Chó dùng để "săn" chuột phải là giống chó mõm dài, tai nhọn và đánh hơi cực giỏi được chọn lựa, huấn luyện từ nhỏ. Ở Canh Nậu, người dân có tài huấn luyện chó săn hiếm nơi nào sánh được. Những chú chó này có khả năng đánh hơi, phát hiện hang chuột từ cách đó hàng vài chục mét. Chẳng thế mà dân "săn" chuột ở tận Hưng Yên, Bắc Ninh cũng tìm đến đây để mua lại chó của làng.

Trời về chiều, cánh đồng làng Canh Nậu mỗi lúc lại đông hơn, đây đó, những tốp người hì hụi đào hang, hun chuột. Dân "săn" chuột ở Canh Nậu có đủ các độ tuổi. Trẻ con lên mười đã theo người lớn ra đồng và có nhiều người ở cái tuổi "xưa nay hiếm" vẫn ham bắt chuột. Cụ Nguyễn Văn Kiên ở thôn 4 Canh Nậu kể lại như vậy. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng thi thoảng cụ Kiên vẫn đi "săn" chuột cùng con cháu và coi đó là sự rèn luyện sức khỏe.

Đặc sản "ngựa phi trên sàng"

Cuối chiều, các thợ săn chuột trở về làng với những xiểng chuột đầy ăm ắp. Sau khi làm lông, mổ bụng, thui vàng, chuột được các bà, các chị khệ nệ bưng ra chợ bán. Chợ chiều Canh Nậu đông vui với đầy đủ các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá… song không khi nào thiếu vắng một hai mẹt thịt chuột. Người bán ra giá, người mua mặc cả, lựa chọn như mua thực phẩm hằng ngày. Có người nhìn mẹt chuột xếp nằm xấp, đều tăm tắp ví nó như đàn "chiến mã" đang tung vó. Chẳng thế mà, món chuột ở đây còn được gọi là món "ngựa phi trên sàng". Ở Canh Nậu, mỗi cân thịt chuột sống bán được 50.000 đồng, còn chuột đã cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm lừng thì tiền gấp đôi. Nghe câu ca người làng truyền tụng: "Quanh năm bận rộn tứ bề/Có về vay nợ cũng gắng mà mua/Chuột đồng mõm ngắn bụng thon/Ướp sả rán giòn hấp với lá chanh" đủ biết dân Canh Nậu nghiện món ăn này như thế nào.

Chuột không chỉ bán ở chợ, chuột còn vào nhà hàng đặc sản. Gia đình anh Đỗ Đăng Thanh, ở đội 4 đã có thâm niên 8 năm làm nghề kinh doanh thịt chuột. Chẳng cần biển hiệu, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, vậy mà trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng 60kg thịt chuột hơi, tính ra trung bình mỗi tháng cũng hơn một tấn. "Hằng ngày, quán tôi đón hàng chục khách nhậu trong làng và thập phương về. Có người còn cẩn thận gọi điện đặt trước dăm ngày" - anh Thanh chủ quán niềm nở cho biết. Bí quyết để có món thịt chuột ngon, người Canh Nậu thường chọn 3 loại chuột là chuột đồng, chuột bãi và chuột lai nhím. Những con chừng 2-3 lạng là ngon nhất. Từ con chuột, người ta có thể chế ra thực đơn lên tới hàng chục món khác nhau nào là sào, hấp, quay, om và nướng, luộc… ăn kèm với lá chanh và rau má. "Nhiều khách lạ chưa ăn chuột bao giờ nhìn thấy là kinh sợ, nhưng nếu ai đã ăn một vài lần là "nghiện" ngay. Chả thế mà quán tôi chẳng cần quảng cáo, biển hiệu gì mà khách mỗi ngày một thêm đông, cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá" - vị chủ quán này lý giải.

Người dân Canh Nậu vẫn tự hào rằng, nghề "săn" chuột làng mình thật là "nhất cử, tam tứ tiện". Nó không chỉ làm món ăn, cải thiện cuộc sống mà còn là thú vui, diệt được nạn chuột phá hoại mùa màng đồng thời mang lại thêm thu nhập cho nhiều gia đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng “săn” chuột Canh Nậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.