(HNMĐT) - Làng Phùng Khoang có tên gốc là Phùng Quang (hay làng Quang), xưa thuộc Nhân Mục Môn của vùng “Kẻ Mọc”, tức các làng Mọc ở phía Tây đường Thiên lý Tây Đạo vào Kinh thành Thăng Long (các làng Mọc phía Đông, tức làng Thượng Đình và Hạ Đình là Nhân Mục Cựu).
Năm Bảo Thái thứ tư (1723), xã Phùng Khoang được chuyển từ huyện Thanh Trì, trấn Sơn
Đầu thế kỷ XIX, Phùng Khoang là một xã độc lập thuộc tổng Thiên Mỗ (Đại Mỗ), huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, năm 1902 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông.Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Cương Kiên, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Đến năm 1961, xã Cương Kiên được chuyển về huyện Từ Liêm; năm 1965, xã được đổi tên thành Trung Văn.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Phùng Khoang là một làng có dân số trên trung bình (1223 nhân khẩu năm 1928) và là làng có nhiều ruộng (Địa bạ Gia Long ghi làng có 290 mẫu ruộng, trong đó có 73 mẫu công điền), phần lớn là ruộng tốt nên cho nhiều thóc. Chính vì thế, dân gian vùng này có câu “Tiền làng Mọc, thóc làng Khoang”. Ngoài làm ruộng, dân làng còn có nghề đúc khóa đồng, đem bán buôn cho cho các cửa hàng ở phố Hàng Khóa (nay là đoạn đầu phố Thuốc Bắc).
Làng Phùng Khoang có chùa Thanh Xuân. Đây vốn là một quán của Đạo giáo, nên có tên là Thanh Xuân quán, chưa rõ được chuyển thành chùa từ bao giờ. Chùa ghi lại một sự kiện lịch sử quan trọng : năm Vĩnh Tộ thứ năm (1623), Chúa Trịnh Tùng ốm nặng, truyền ngôi cho con trưởng là Trịnh Tráng. Em Tráng là Trịnh Xuân nổi giận làm loạn, đốt phủ chúa, làm cháy lan ra cả kinh thành Thăng Long. Trịnh Tráng phải đưa cha về lánh nạn ở làng Hoàng Mai (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), rồi bày mưu cho cha gọi Trịnh Xuân đến nói để truyền ngôi cho. Xuân tưởng thật, đến thì bị bắt giết. Sau đó, Trịnh Tráng đưa cha về quán Thanh Xuân làng Phùng Khoang, vài ngày sau Trịnh Tùng chết tại đây. Sự kiện này được bộ sử nhà Lê “Đại Việt sử ký Toàn thư” ghi nhận. Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1991.
Thời Pháp thuộc, ven đường Thiên lý đi vào nội thành Hà Nội, trước cửa chùa Thanh Xuân xuất hiện một dãy phố nên gọi là phố Thanh Xuân, có bến xe điện Thanh Xuân. Cuối thế kỷ XIX, một bộ phận dân làng theo Công giáo nên trong làng hình thành một Nhà thờ lớn, là nhà thờ chung cho Xứ đạo Phùng Khoang.
Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều khu chung cư được xây dựng thành khu tập thể Thanh Xuân; trường Đại học Ngoại ngữ, trường Cán bộ dân tộc, một phần trường Đại học Tổng hợp cũng đặt ở đây. Đến đầu những năm 80, đồng ruộng của làng Phùng Khoang bị lấp để xây dựng các khu nhà cao tầng, nay là phường Thanh Xuân Bắc, nằm giữa đường Lương Thế Vinh và đường Khuất Duy Tiến. Đến năm 1997, tên “Thanh Xuân” được dùng làm tên gọi cho một quận mới hình thành: quận Thanh Xuân.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.