Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Phù Đổng

TUYETMINH| 08/11/2005 09:17

(HNMĐT) - Làng Phù Đổng tên Nôm là làng Gióng, được cả nước biết đến với huyền thoại Thánh Gióng mới 3 tuổi đã xin Vua ra trận đánh tan giặc Ân, với hội Gióng - một hội lớn, nổi tiếng bởi lễ thức diễn lại những trận đánh giặc của Thần.

(HNMĐT) - Làng Phù Đổng tên Nôm là làng Gióng, được cả nước biết đến với huyền thoại Thánh Gióng mới 3 tuổi đã xin Vua ra trận đánh tan giặc Ân, với hội Gióng - một hội lớn, nổi tiếng bởi lễ thức diễn lại những trận đánh giặc của Thần.

Phù Đổng là địa bàn sinh tụ sớm của người Việt Cổ, từ thời Hùng Vương. Cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là một xã độc lập, cũng là xã đứng đầu tổng Phù Đổng, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng Phù Đổng nằm trong xã Toàn Thắng của huyện Gia Lâm. Sau Cải cách ruộng đất, xã Toàn Thắng chia nhỏ thành 11 xã, trong đó có xã Phù Đổng (gồm các thôn : Phù Đổng, Đổng Viên (Gióng Mốt), Phù Dực thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 5 - 1961, xã Phù Đổng được cắt về huyện Gia Lâm (Hà Nội). Trước Cách mạng, Phù Đổng là một làng lớn, có 2252 dân. Trai đinh trong làng được chia thành 6 giáp.

Phù Đổng nằm bên bờ sông Đuống. Dân làng sống bằng nghề trồng lúa trong đồng và làm màu trên đất bãi.
Phù Đổng có một hệ thống các di tích gắn với huyền thoại Thánh Gióng, trong đó nổi bật nhất là Đền Gióng- là quần thể kiến trúc tưởng niệm người anh hùng làng Gióng. Đền nằm sát chân đê, bờ Bắc sông Đuống. Kiến trúc đền hiện nay được xây vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705). Trong đền còn có tấm bia “Hiển Kinh từ thạch bi” do Tiến sĩ Nguyễn Thạc Đức (người làng Phù Ninh, đỗ năm 1589) tạo năm Hoằng Định thứ tám (1607) ca ngợi Phù Đổng là nơi danh thắng, đệ nhất Kinh Bắc, địa linh nhân kiệt, sản sinh thần minh.

Đền Gióng gắn với hội Gióng diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Tư - một hội có quy mô to nhất (các xã trong tổng cùng tham gia), với nhiều lễ thữc hoành tráng nhất ở Kinh Bắc, trong đó nổi bật nhất là lễ thức 28 cô gái trẻ đóng giả làm 28 tướng giặc bị Thánh Gióng đánh tan. Sự đông vui và độc đáo của hội được dân gian đúc kết “Ai ơi mồng chín tháng Tư, không đi hội Gióng cũng hư một đời” hay “Thứ nhất khoa thi, thứ nhì hội Gióng.

Làng Gióng có chùa Kiến Sơ được xây dựng vào thế kỷ X, là trụ sở của một giáo phái Phật giáo truyền vào nước ta từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Tương truyền, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) thời trẻ thường hay lui tới chùa nên sau khi lên ngôi vua, ông đã cho mở mang chùa. Chùa đã qua nhiều lần tu bổ với sự hưng công của nhiều quan lại cao cấp, được phản ánh qua một số tấm bia cổ còn lưu trong chùa. Ngoài ra còn có chùa Tập Phúc, cũng là ngôi chùa có từ rất sớm được trùng tu lớn từ tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1622) đến tháng Tư năm Quý Hợi (1623) - theo văn bia còn lưu trong chùa .

Phù Đổng có ông Đặng Công Chất ( 1622 - ?) đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thọ (1661), làm quan đến Tham tụng (Tể tướng), Thượng thư bộ Hình, từng đi sứ sang nhà Thanh năm Nhâm Tuất (1682). Ông thuộc dòng họ Đặng Trần của Tiến sĩ Đặng Công Toản ở làng Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay là phường quan Hoa quận Cầu Giấy), gốc xa hơn là họ Trần ở Thái Bạt (Hà Tây). Ngoài ra, thời Lê có ông Đặng Như Cẩm đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Tân Sửu (1601), Trịnh Đường đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão đời Gia Long (1819), làm quan đến chức Tuần phủ nhưng bị tội vì để mất tỉnh thành Hà Tiên (năm Giáp Ngọ - 1834).

TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Phù Đổng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.