(HNMO)- Sáng 23/3, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã tổ chức hội thảo Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Thông tin từ hội thảo cho thấy, nhiều diện tích đất đai đang bị lãng phí.
Theo số liệu từ hội thảo, hiện trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và cơ sở hoạt động chiếm khoảng 1,5 tỉ m2, tương đương 594.000 tỉ đồng và hơn 100.000m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỉ đồng. Tính theo giá trị, số, nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hiện chiếm tới 97,2% giá trị tài sản DN Nhà nước.
Tính riêng, doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, trong đó có những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao như trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại số 75 Đinh Tiên Hoàng, đối diện hồ Hoàn Kiếm-Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt tại số 136 Hàm Nghi, quận 1 (TP.HCM).
Ảnh minh họa |
Mặc dù trụ sở đại diện của một số bộ, cơ quan Trung ương ở Tp.HCM chiếm diện tích lớn nhưng chủ yếu chỉ làm chức năng Văn phòng đại diện, không tương xứng với nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới của các Bộ. Một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơn quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, sử dụng để kinh doanh, dịch vụ sai mục đích được giao, thậm chí bỏ trống dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Tính đến tháng 12/2011, đã có 71 Bộ, ngành Trung ương, 17 Tổng công ty Nhà nước và 51/53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kê khai và đề xuất phương án án xử lý nhà đất với tổng số 117.498 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 3,4 tỷ m2 và 106 triệu m2 nhà.
Với diện tích đất do doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý, sử dụng, đến nay đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 9 triệu m2, trong đó chuyển nhượng gần 100.000m2, thu hồi trên 300.000m2, chuyển mục đích sử dụng đất trên 1,3 triệu m2 và di dời do ô nhiễm môi trường 300.000m2.
Theo dự thảo đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, sẽ có 2 phương án thu ngân sách từ đất đai.
Phương án 1, căn cứ vào hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, giá đất bình quân do Nhà nước đang điều hành thu hiện nay và chính sách thu hiện tại, tổng NSNN từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỉ đồng/năm.
Phương án 2, căn cứ vào hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, chính sách thu hiện hành, giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản, tổng thu NSNN bình quân là 98.624 tỉ đồng/năm.
Với hai phương án trên, tính theo phương án nào thì nguồn thu từ đất đai đều lớn. Trên thực tế số thu này có thể còn cao hơn vì giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo lộ trình mới đang dần tiếp cận giá thị trường, nhất là trong trường hợp chuyển mạnh sang đấu giá đất để giao đất, cho thuê đất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.