Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Nhật Tảo

LANHUONG| 09/03/2005 12:36

(HNMĐT) - Làng Nhật Tảo tên cũ là Nhà Kiểu hay Nhật Cảo, nay là một thôn của xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ở ngay bờ sông Hồng, bên bến đò Chèm. Có hai thuyết giải thích về tên làng. Một thuyết cho rằng, do dân làng nghèo khổ, hàng ngày phải tần tảo kiếm ăn nên gọi là Nhật Tảo...

(HNMĐT) - Làng Nhật Tảo tên cũ là Nhà Kiểu hay Nhật Cảo, nay là một thôn của xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ở ngay bờ sông Hồng, bên bến đò Chèm. Có hai thuyết giải thích về tên làng. Một thuyết cho rằng, do dân làng nghèo khổ, hàng ngày phải tần tảo kiếm ăn nên gọi là Nhật Tảo. Còn thuyết thứ hai cho rằng, tên ‘’Nhật Tảo’’ để chỉ ước vọng của dân làng mong cuộc sống mỗi ngày một sáng sủa, tốt đẹp (Nhật là mặt trời, cũng có nghĩa là ngày, Tảo là chiếu sáng).

Nhật Tảo hình thành từ lâu. Theo văn bia còn lưu thì đầu thế kỷ X, làng nằm trong thôn Hạ Từ Liêm (gồm cả làng Đông Ngạc), quận Giao Chỉ. Đầu thời Trần, làng trở thành một đồn điền của nhà nước phong kiến, để đưa các tội phạm đến làm ruộng. Theo sử cũ, vào năm Canh Dần niên hiệu Kiến Trung (1230), Vua Trần Thái Tông ra thể lệ bắt những người có tội đưa đến Cảo (Tảo) xã để làm hoành nô, gọi là Cảo điền hoành (nô lệ làm ruộng ở làng Cảo). Mỗi tội nhân này đều bị thích sáu chữ vào mặt, phải cày ba mẫu ruộng công, mỗi năm mỗi mẫu phải nộp 100 thăng thóc. Về sau, Thượng tướng, Thái tể Trần Nguyên Trác là con thứ của Vua Trần Minh Tông được phong làm thực ấp tại đây. Ông đã bãi bỏ chế độ Cảo điền, chuyển các cảo điền nhi thành dân ấp, sắp xếp các nhóm ‘’lệ dân’’ (dân lệ thuộc) thành làng xóm, đặt tên là Nhật Tảo với ý nghĩa tốt đẹp. Do có nhiều công lao với làng nên sau khi mất, Trần Nguyên Trác được dân làng thờ là thành hoàng. Trước đây, làng có đình to, nhưng do chiến tranh bị đổ nát, hiện chỉ còn là đình nhỏ, bên trong còn bức hoành phi “Trần triều Thượng tướng”.

Nhật Tảo có bốn dòng họ lớn là Nguyễn, Hoàng, Phùng, Đặng. Năm 1926, làng có 649 nhân khẩu, 114 mẫu ruộng. Do là ruộng đồn điền của nhà nước nên xưa kia, làng không có ruộng tư. Đồng ruộng không có hệ thống thủy lợi nên chỉ cấy đuợc một vụ chiêm với năng suất thấp và bấp bênh. Tháng ba, ngày tám, dân làng phải đi kiếm tôm cá ngoài đồng, hoặc đi làm mướn để có thu nhập thêm. Chỉ có một số người có vốn làm nghề hàng xay, hàng xáo, làm bánh bún.

Theo lưu truyền dân gian, năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn ra Bắc diệt nhà Trịnh, Trịnh Tông (hay Trịnh Khải) chạy khỏi Kinh thành Thăng Long, sang đấtlàng Hạ Lôi (huyện Yên Lãng, nay thuộc tỉnh Vinh Phúc), bị Nguyễn Trang bắt được, giải về Thăng Long nộp cho Tây Son. Khi qua bến đò Chèm, trời đã tối, Trang bèn đưa Trịnh Tông vào nghỉ qua đêm tại đình Nhật Tảo, sáng sớm hôm sau mới vào Thăng Long, nhưng giữa đường, Trịnh Tông lấy dao tự sát.

Vẫn theo lưu truyền dân gian, Trần Nguyên Trác lấy vợ người làng Giàn (tức làng Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh) nên xưa kia, hai làng kết nghĩa với nhau. Làng Nhật Tảo từng cắt cho làng Giàn 16 mẫu ruộng, gọi là ruộng Nghĩa ái.

Nhật Tảo xưa kia không có nhiều người đỗ đạt. Mãi đến thời Nguyễn mới có bốn người đỗ Tú tài, trong đó có ông Đặng Khắc Trước bốn lần đỗ, được bổ làm Tri phủ. Ông rất giỏi thơ phú, di văn của ông hiện còn một số bài thơ, câu đối khắc trên các ván gỗ ở trong đình, ca ngợi nghĩa khí và công đức của Thượng tướng Trần Nguyên Trác. Làng cũng có Văn chỉ để thờ Khổng Tử và các vị Tiên hiền. Năm 1987, tại đây còn lưu giữ quả chuông cổ nhất của nước ta được đúc năm Mậu Thân niên hiệu Càn Hòa của Trung Quốc (948). Hiện quả chuông quý này đã được bảo quản chu đáo tại nơi khác.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Nhật Tảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.