Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Nghĩa Đô

HONGHAI| 25/03/2004 15:17

Phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nay gồm hai xã Nghĩa Đô và Đoài Môn cùng phường Bái Ân thời phong kiến, trong đó xã Nghĩa Đô gồm bốn thôn (làng) cũ là : Tiên Thượng (làng Tân), Trung Nha (làng Nghè), Vạn Long (làng Dâu) và An Phú (không có tên Nôm) thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nay gồm hai xã Nghĩa Đô và Đoài Môn cùng phường Bái Ân thời phong kiến, trong đó xã Nghĩa Đô gồm bốn thôn (làng) cũ là : Tiên Thượng (làng Tân), Trung Nha (làng Nghè), Vạn Long (làng Dâu) và An Phú (không có tên Nôm) thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội, từ năm 1904 trở đi thuộc tỉnh Hà Đông. Từ tháng 12- 1942, tách thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xã Nghĩa Đô chia thành hai xã Nghĩa Đô Thượng (gồm làng Tân và làng Nghè) và Nghĩa Đô Hạ (làng Dâu và làng An Phú) thuộc khu Đại La, ngoại thành Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nghĩa Đô thuộc quận Quảng Bá, Đại lý Hoàn Long do địch kiểm soát. Còn với chính quyền kháng chiến, Nghĩa Đô nhập với xã Đoài Môn cũ thành xã Nghĩa Môn thuộc quận IV, sau đổi là huyện Trấn Tây ngoại thành Hà Nội.
Sau khi giải phóng Thủ đô (10 - 1954), Nghĩa Đô sáp nhập với xã An (Yên) Thái (gồm cả phường Bái Ân cũ ) thành xã Thái Đô, quận V. Đến năm 1961 cắt làng An Thái thuộc quận Ba Đình, còn lại xã Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm. Ngày 31- 10- 1982, thị trấn Nghĩa Đô thành lập được thành lập, bao gồm xã Nghĩa Đô và các khu tập thể thuộc huyện Từ Liêm. Đến năm 1992, các khu tập thể được tách ra thành lập một đơn vị hành chính mơí là thị trấn Nghĩa Tân thuộc huyện Từ Liêm. Khi quận Cầu Giấy được thành lập (tháng 9 - 1996), Nghĩa Đô trở thành một phường của quận này.

Nghĩa Đô xưa có đường giao thông thuỷ, bộ đi lại thuận tiện, gắn bó chặt chẽ với các phố phường trong nội thành. Theo đường thuỷ có thể ngược sông Thiên Phù ra sông Hồng đi các nơi; ngược sông Tô Lịch qua Cửa Bắc vào khu phố cổ nội thành, xuôi sông Tô xuống các huyện Thanh Trì, Thanh Oai. Đường bộ có thể vào nội thành, ngược lên Nhật Tân, Xù Gạ (Phú Thượng)… hay đi xuôi xuống Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Hà Đông…

Nghĩa Đô kề cận với Bưởi, là nơi buôn bán sầm uất các loại gia cầm, gia súc và đồ dùng sinh hoạt cho nhân dân cả vùng phía Tây Bắc và dân nội thành Thăng Long. Điều kiện tự nhiên trên đây làm cho các làng thuộc xã Nghĩa Đô cũ, nay là phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy phát triển về nhiều mặt, mang những sắc thái riêng. Dưới đây, lần lượt trình bày những nét riêng của các làng.

* Làng An Phú
Tên làng “An Phú” được đặt ra để cầu mong sự yên ổn và giầu thịnh. Làng này mới được lập đầu thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỉ XVI). Hai người đến lập trại An Phú đầu tiên là quan Tổng tri Thuần Lộc hầu Trần Phúc Diên (1562 - 1648) quê ở xứ Thanh Hoa, có công phù nhà Lê dẹp nhà Mạc, được vua Lê ban cho về lập ấp ở xã Nghĩa Đô. Người thứ hai là Nguyễn Nhật Tráng ở làng Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đỗ Hoàng giáp khoa ất Mùi , niên hiệu Quang Hưng (năm 1595), làm quan đến chức Lại khoa Cấp sự trung, được vua Lê cho cắm đất lập dinh ở xã Nghĩa Đô.

Xưa, dân làng An Phú làm ruộng là chủ yếu nhưng 80 % diện tích chỉ cấy được một vụ mùa. Ngoài ra, làng còn có nghề nấu kẹo mạch nha, dệt lĩnh lụa. Nghề nấu kẹo nha do ông Trần Toàn (1663 - 1715), người làng, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa đời Vua Lê Hy Tông (năm 1700), trong thời gian làm quan Tham chính sứ Sơn Nam, ông đã học được nghề làm kẹo mạch nha đem về dạy dân làng.

Kẹo mạch nha còn gọi là kẹo mầm vì kẹo được nấu ra bằng mầm thóc. Thóc tẻ phải ngâm rồi ủ cho mầm thóc mọc dài ra rồi đem phơi khô giã nhỏ thành bột. Sau đó lấy gạo nếp đồ thành xôi thật chín trộn với bột mầm thóc, đổ nước nóng vào ngâm, cứ khoảng 15 kg gạo nếp trộn với 100 gam bột mầm thóc và 30 lít nước là đủ một nồi, sau đó nấu lên thành kẹo. Các loại kẹo sản xuất được đem vào phố phường kinh đô và chợ ở nhiều tỉnh để bán. Bã kẹo để nuôi lợn chóng lớn, mượt da. Ca dao cũ :
"An Phú dẻo kẹo mạch nha
Lợn hồng da mượt như là trong tranh".
Xưa có tục chỉ truyền nghề cho con trai, không truyền cho con gái.

Làng An Phú có nghề làm tào phớ, truyền rằng do một người Trung Quốc trong đội quân Cờ Đen dạy cho từ cuối thế kỷ XIX. Tào phớ là loại nước giải khát có giá trị dinh dưỡng cao, làm bằng đậu tương xay nhỏ, lọc như kiểu làm đậu phụ nhưng phải làm kỹ hơn, thường gọi là óc đậu.

Làng An Phú có chung một ngôi đình với làng Vạn Long, thờ quan Thái giám, Chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông, nhân vật lịch sử thời Lý liên quan tới Nguyên phi ỷ Lan và hai vị vua Lý Thánh Tông, Nhân Tông. Làng còn thờ Thần nông. Ngôi đình do Tiến sĩ Trần Toàn đứng ra xây dựng lại khoảng đầu thế kỉ XVIII gồm nhà tiền tế năm gian, hậu cung hai gian, hai bên tả mạc, phụ thờ Trần Toàn sau khi ông mất.

Ngày xưa hai làng An Phú và Trung Kính, thường có tục rước giao hảo vì quan Thái giám Nguyễn Bông quê ở Trung Kính Thượng và quan Tá Lý công thần, Hoàng giáp Nguyễn Nhật Tráng là tổ chi họ Nguyễn làng An Phú được làng Trung Kính thượng thờ làm thành hoàng ở ngôi miếu trên bờ sông Nhuệ.

Làng An Phú có nhà thờ họ Trần của Tiến sĩ, Trần Toàn ở nhà số 11, ngõ 5/ 78 đường Hoàng Quốc Việt, gồm ba gian, hướng Tây. Ngoài cửa còn một đôi câu đối ca ngợi truyền thống dòng họ:
Văn chương hoa quốc lưu quang viễn,
Thi lễ truyền gia dụ hậu trường.
(Văn chương có tiếng trong cả nước, lưu truyền từ xa xưa,
Thi lễ truyền mãi tốt đẹp cho đời sau).

Làng An Phú xưa có quy định, trai gái trong làng lấy nhau phải nộp cheo là một mâm đồng nặng ba cân, còn gái làng đi lấy chồng thiên hạ phải nộp cheo ngoại là hai mâm đồng để dân làng sử dụng khi có lễ hội tổ chức ăn uống.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Nghĩa Đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.