Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề thiếu thợ lành nghề

Nguyễn Mai| 04/07/2011 07:03

(HNM) -

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo "Thực trạng, nhu cầu và giải pháp phát triển nhân lực kỹ thuật cho sự phát triển làng nghề Việt Nam đến năm 2020" do Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức mới đây.

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề Thiết Ứng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: L.T




Làng nghề nhiều nhưng chưa mạnh


Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 2.790 làng nghề, thu hút khoảng 20 triệu lao động tham gia, trong đó 30% số lao động có việc làm thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Tuy có đóng góp lớn vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn song nhìn chung chất lượng lao động tại các làng nghề còn hạn chế. Theo ông Trịnh Quốc Đạt, Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: "Cả nước hiện chỉ có khoảng 12,3% số lao động qua đào tạo. Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay thiếu vắng đội ngũ thợ lành nghề, thợ tạo mẫu. Quá trình truyền nghề cho lớp trẻ chưa được coi trọng đúng mức, đa số lực lượng lao động có trình độ văn hóa và trình độ thẩm mỹ chưa cao. Hầu hết, chủ hộ sản xuất ở các làng nghề chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường"…

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thừa nhận, cả nước hiện có 90 trường cao đẳng nghề, 214 trường trung cấp nghề, 648 trung tâm dạy nghề và trên 1.000 cơ sở khác có dạy nghề. Thế nhưng, việc dạy nghề trong các trường công lập lại chưa đạt yêu cầu, chưa gắn với nhu cầu của sản xuất kinh doanh tại các làng nghề. Do đó, nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, thiếu kinh phí cho việc dạy và học, thiếu thầy giỏi, địa điểm tổ chức lớp không thuận tiện cho việc đi lại của học viên... cũng là nguyên nhân khiến chưa thu hút được học viên tham gia.

Tại Hà Nội, là địa phương có số làng nghề đứng đầu cả nước với trên 1.000 làng nghề, song việc đào tạo lao động vẫn không sáng sủa hơn so với các địa phương khác. Rất nhiều làng nghề truyền thống có yếu tố văn hóa, nghệ thuật cao như nón Chuông, đèn lồng Vác (Thanh Oai), nhạc cụ dân tộc Đào Xá (Ứng Hòa)... chưa được quan tâm nghiên cứu để có hướng đào tạo lao động phù hợp. Tại huyện Chương Mỹ, lao động tại làng nghề, đặc biệt là lớp nghệ nhân, thợ giỏi ngày một khan hiếm. Nhiều người trong số đó tuổi cao đã qua đời, song các thế hệ sau lại chưa thể tiếp thu được những tinh hoa của các lớp người đi trước. Trong khi đó, thực tế sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi thị trường, giá cả khiến thợ bỏ nghề hoặc không chú tâm nhiều vào nâng cao tay nghề. Thực tế ở làng nghề mây, giang đan Phú Vinh (Chương Mỹ) chứng minh điều này. Nếu như khoảng 4-5 năm trước đây ở Phú Vinh có tới 90% số hộ tham gia vào sản xuất mây giang đan thì nay số lao động đã giảm nhiều, chỉ còn khoảng 50% số hộ.

Lối thoát nào cho đào tạo nghề?

Ông Nguyễn Văn Đức, nghệ nhân chế tác gỗ mỹ nghệ làng nghề La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho hay: "Đào tạo chính quy tại các trường nghề thì phải sau 18 tháng, người thợ mới có thể thành nghề và có thu nhập. Đây là thời gian quá dài, do đó số người đăng ký học ở trường nghề không nhiều. Trong khi đó, tại các làng nghề, việc dạy nghề mới chỉ dừng lại ở việc truyền nghề theo kiểu kèm cặp nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô gia đình, ít làng nghề tổ chức được các lớp dạy nghề bài bản, chưa thu hút được các nghệ nhân cao tuổi vào dạy, cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề trong các gia đình còn đơn giản và thiếu.

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lý giải nguyên nhân của tình trạng làng nghề thiếu thợ lành nghề là do lâu nay, việc dạy nghề vẫn còn mang tính phong trào, không sát với thực tế làng nghề. Trong đó, hạn chế lớn nhất của các lớp nghề mở ra là chưa điều tra rõ nhu cầu học nghề của người dân nên chưa thu hút được học viên tham gia. Bên cạnh đó, một thực tế là lao động tại các làng nghề chưa thực sự mặn mà với việc đào tạo. Nhiều nơi mặc dù được hỗ trợ học phí học nghề, nhưng vẫn không có người học. Nhiều thanh niên tại các làng nghề chấp nhận đi làm thuê như: xây dựng, làm công nhân tại các khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động hơn làm nghề…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề, đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ đang trở nên cần thiết không chỉ để nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn mà còn góp phần lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các làng nghề, Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể cho phát triển các làng nghề, từ đó làm cơ sở cho các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề của địa phương mình. Từ đó, có cơ sở để tổng hợp nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển làng nghề địa phương. Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để thực hiện có hiệu quả Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ LĐ,TB&XH, Tổng cục Dạy nghề sớm giao kế hoạch đào tạo nghề truyền thống hằng năm cho các đơn vị có đủ tiêu chuẩn tham gia đào tạo nghề cho lao động; Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo sử dụng và bao tiêu sản phẩm cho lao động sau đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề thiếu thợ lành nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.