(HNM) - Đến Liên Hà, huyện Đông Anh hôm nay, đi theo con đường đang được nâng cấp mở rộng mới thấy bộ mặt của làng quê đang thay da đổi thịt. Lúa ngoài đồng đang kỳ thu hoạch, vàng rực một góc trời, vào các thôn trong xã, tiếng lách chách của các tay thợ mộc reo vang hòa cùng tiếng máy cưa, xẻ gỗ tạo nên một âm thanh đặc trưng của làng nghề.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng nghề của xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thị Xuân không giấu được niềm vui: Xã Liên Hà có 8 thôn thì cả 8 đều làm nghề, thu hút 52 công ty và 1.157 hộ tham gia. Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới vài chục tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ 1 đến 2 tỷ đồng. Nhờ nghề này mà nhà cao tầng trong xã mọc lên san sát, tỷ phú ở xã không hiếm, nhất là lớp trẻ 30-45 tuổi. Không chỉ thu hút lao động trong xã, làng nghề Liên Hà còn thu hút tới gần 3.000 lao động ở các nơi khác đến làm thuê. Hòa cùng sự phát triển của công nghệ, sản xuất ở làng nghề Liên Hà đã được chuyên môn hóa; sản phẩm đồ gỗ của Liên Hà đã có mặt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu.
Bà Ngô Thị Diệp, chủ một cơ sở sản xuất lớn tại điểm sản xuất tập trung thôn Thù Lỗ cho biết, các xưởng mộc đã thu hút hầu hết lao động chính trong xã. Người làng nghề ai cũng có việc, thu nhập cao khiến người dân không ai có thời gian cho những trò vô bổ và tệ nạn xã hội… Xưởng của bà Diệp không chỉ mang lại thu nhập khá cho cả gia đình mà còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 21 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/ người/tháng.
Trăn trở lớn nhất của người Liên Hà hiện nay là mặt bằng sản xuất quá chật hẹp, tất cả các gia đình đã biến sân phơi, vườn cây, ao cá thành xưởng sản xuất. Ông Lê Hữu Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, làng nghề của xã chiếm vị trí chủ đạo, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% trong cơ cấu kinh tế. Để hỗ trợ làng nghề, xã đã xây dựng được hai điểm sản xuất tập trung ở 2 thôn Giao Tác và Châu Phong với trên 100 hộ. Tuy đã góp phần đáng kể vào giải quyết ô nhiễm môi trường và tạo đà cho sản xuất phát triển nhưng vẫn còn khoảng 70-80% số hộ sản xuất trong khu dân cư chưa được bố trí mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, diện tích cho mỗi hộ vẫn còn khá nhỏ, trung bình mỗi hộ từ 150m2 đến 300m2 nên chưa có điều kiện mở rộng sản xuất. Vì vậy, mong muốn của các DN, hộ làm nghề và chính quyền địa phương là được mở rộng quy mô các điểm sản xuất tập trung để đưa các hộ sản xuất trong làng ra mở rộng quy mô nhà xưởng và giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài khó khăn về mặt bằng, người làm nghề ở Liên Hà còn đối mặt với khó khăn về vốn. Trong bối cảnh chung của sự suy thoái ở các làng nghề, Liên Hà cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng do thị trường thu hẹp, lượng hàng tồn kho nhiều nên cần lượng vốn nhất định để tháo gỡ khó khăn. Nếu giải quyết được hai vấn đề trên thì cả 8 làng nghề của xã sẽ không chỉ giữ được nghề mà còn phát triển mạnh trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.