Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề két bạc Đại Tự

Nguyễn Mai| 12/06/2011 06:09

(HNM) - Có lẽ thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức là làng duy nhất ở Hà Nội có nghề làm két bạc. Hiện cả làng có hàng chục công ty, doanh nghiệp (DN) quy mô lớn thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Mỗi ngày từ làng Đại Tự, hàng ngàn két bạc, tủ hồ sơ… được xuất ra thị trường Hà Nội và khắp các tỉnh miền Bắc. Thế nhưng…

Không khí sôi động ở một xưởng sản xuất tại làng két bạc Đại Tự.


"Đại công trường" két bạc
Nếu có dịp đến làng Đại Tự, nhiều người sẽ dễ nhầm đây là điểm công nghiệp làng nghề, bởi hai bên đường là những dãy nhà xưởng sản xuất, với hàng trăm công nhân miệt mài làm việc, xe ô tô, xe máy tấp nập ra vào ăn hàng. Ông Cấn Nhật Tân, Trưởng thôn Đại Tự không giấu được vẻ tự hào: "Thị trường két bạc khắp miền Bắc này chủ yếu là sản phẩm của làng tôi đấy". Để minh chứng cho điều mình nói, ông Tân dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh làng và cuối cùng thì dừng lại ở khu Cửa Khâu - nơi tập trung hàng chục DN sản xuất két bạc.

Dưới cái nắng ngột ngạt của ngày hè, hàng trăm công nhân trong Công ty TNHH TM Việt Đức vẫn xoay trần làm việc, mồ hôi lã chã. Ông Chu Sơn Sáng, Quản đốc Công ty hồ hởi cho hay, đã 8 năm, kể từ khi công ty này được thành lập ông gắn bó với nó. Ở nông thôn, có nghề phụ đời sống của các gia đình sung túc hơn nhiều. Ở Đại Tự, không ít gia đình đã sắm được xe hơi đắt tiền chẳng kém gì các "đại gia" ở thành phố. Nhiều hộ có đến hai, ba chiếc. Một chiếc để chở hàng và một chiếc để quan hệ làm ăn - ông Sáng cho biết. Với diện tích khoảng 4.000m2 và 120 công nhân, mỗi tháng từ đây có khoảng 2,5 đến 3 ngàn chiếc két sắt được xuất ra thị trường.

Theo ông Tân, toàn thôn có khoảng 500 hộ dân thì có 40 hộ làm chủ xưởng sản xuất, trong đó có 15 hộ là chủ các cơ sở, tổ hợp, còn lại hầu hết đều đứng lên thành lập DN. Hộ còn lại thì làm công nhân, quản lý hay marketting giao dịch các sản phẩm của làng. Đến Đại Tự bây giờ, thật hiếm hoi để thấy người dân bàn chuyện cấy hái, cày bừa... thay vào đó là tình hình thị trường, giá cả, hàng hóa, kỹ thuật sản xuất… "Thôn tôi có khoảng 30ha đất cấy lúa nhưng người dân lao vào làm két bạc, chẳng mấy hộ còn làm ruộng hoặc có làm thì cũng không chăm chút nên năng suất không cao". Tuy nhiên bù lại, kinh tế vẫn phát triển khá, những ngôi nhà to đẹp mọc lên ngày một nhiều; đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa 70%, nhà văn hóa thôn cũng mới được hoàn thiện. Đặc biệt, nhờ có việc làm ổn định mà tệ nạn xã hội ở làng hầu như không có.

Tự phát, mạnh ainấy làm
Mặc dù kinh tế phát triển khá song Đại Tự cũng đang đứng trước không ít thách thức. Đường làng chật hẹp, hằng ngày phải đón những chiếc xe tải vào ra tấp nập, hai bên đường ngổn ngang những cuộn thép to nhỏ, đủ kiểu; tiếng máy cắt, máy mài, máy hàn inh tai, nhức óc ngày đêm trong bầu không khí ngột ngạt. Tìm hiểu được biết, ở Đại Tự vẫn chưa bố trí được điểm sản xuất tập trung. Để có mặt bằng sản xuất, có hộ phải tự xoay xở theo kiểu "mạnh ai nấy làm".

Ông Dương Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Việt Mỹ cho hay, để làm ra một chiếc két phải qua rất nhiều công đoạn từ cắt tôn, tạo khuôn, gò hàn, đổ bê tông đến phun sơn... tốn rất nhiều diện tích. Trước đây, các cơ sở đều tận dụng mặt bằng trong khu đất ở của gia đình để sản xuất nhưng dần dần mở rộng quy mô, mặt bằng trong khu dân cư cũng không đáp ứng được. Hơn nữa, quá trình sản xuất còn tạo ra tiếng ồn lớn; công đoạn phun sơn khiến không khí ngột ngạt… Do thiếu mặt bằng sản xuất, không ít hộ đã phải thuê mướn đất làm xưởng sản xuất, thậm chí ào cả ra đồng bất chấp việc xử phạt của chính quyền. "Công ty nhà tôi có xưởng sản xuất rộng trên 1.000m2 nhưng phải thuê của 4 hộ dân, hợp đồng dài nhất cũng chỉ 5 năm, ngắn hơn là 3 năm nên không dám đầu tư bài bản. Trong khi đó, đầu tư nhà xưởng và máy móc sản xuất cũng vài tỷ đồng. Rủi ro rất lớn nếu như hợp đồng thuê đất hết hạn, chủ đất không cho thuê tiếp" - ông Tiến băn khoăn.

Được biết, mặc dù chưa có quy hoạch, song đến nay các hộ dân đã tự dồn đổi khoảng 20ha đất sản xuất nông nghiệp ven làng làm điểm sản xuất, mặc dù chính quyền cứ lập biên bản xử phạt, dân vẫn cứ làm vì miếng cơm manh áo. Cũng do chưa có điểm sản xuất tập trung nên các hộ không bố trí được quy trình sản xuất hợp lý khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm bởi không khí, nước thải, chất thải sau sản xuất. Người làng nghề ngày ngày mong ngóng địa phương sớm có quy hoạch điểm sản xuất công nghiệp tập trung vừa mở rộng sản xuất vừa tránh ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề két bạc Đại Tự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.