(HNMO) - Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề với 244 làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, việc phát triển nghề và làng nghề vẫn mang tính tự phát, môi trường làng nghề bị ô nhiễm, chưa có giải pháp khắc phục… Theo đó, làng nghề Hà Nội đang khát “bàn tay” quy hoạch tổng thể của thành phố.
Để giải quyết vấn đề trên, sáng 31/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì phiên họp tập thể thường kỳ tháng 3/2011 nhằm xét, quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn thành phố năm 2011.
Đề xuất 12 giải pháp phát triển làng nghề hiệu quả, bền vững
Theo Giám đốc Sở Công thương Lưu Tiến Long, phát triển nghề và làng nghề theo quy hoạch sẽ góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn ngoại thành, phát huy thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, là tiền đề cần thiết cho sự phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải tạo và giữ gìn môi trường sinh thái, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cần thiết, cấp bách.
Theo như nội dung quy hoạch phát triển tổng thể nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Công thương nghiên cứu lập quy hoạch, thành phố sẽ ưu tiên phát triển các nghề, làng nghề có giá trị truyền thống như: ngành thủ công mỹ nghệ (nghề sơn mài, khảm trai; chạm, điêu khắc đá, kim loại, gỗ, xương, sừng; dát quỳ, vàng, bạc); ngành nghề chế biến lâm sản; ngành nghề dệt lụa; ngành nghề thêu, ren; ngành nghề gốm sứ; ngành nghề da, giầy, khâu bóng... Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch phát triển các ngành nghề theo hướng tham gia sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất công nghiệp bao gồm ngành nghề dệt may; ngành nghề cơ kim khí, điện, rèn dao kéo..
Trong quy hoạch tổng thể, thành phố sẽ không mở rộng và phát triển các làng nghề chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong vành đai xanh, ven các khu đô thị và từng bước định hướng chuyển đổi sản xuất, di dời các cơ sở sản xuất và xử lý môi trường. Ngược lại, đối với các làng nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế sẽ khuyến khích đổi mới công nghệ, dây chuyền hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục ô nhiễm môi trường. Đồng thời sẽ phát triển một số ngành nghề khác gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên phát triển các nghề bảo quản, chế biến rau quả ở các khu vực ven đô thị và các vùng chuyên canh rau an toàn, nghề chế biến thuốc nam, đông dược. Xây dựng dự án khôi phục nghề cũ, tổ chức nhân cấy nghề, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để thành lập các cơ sở sản xuất mới tại địa phương.
Để Quy hoạch tổng thể phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phát triển hiệu quả và bền vững, theo Sở Công thương thì thành phố cần tập trung vào 12 giải pháp chủ yếu bao gồm: giải pháp về thị trường tiêu thụ; giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp về đồng bộ kết cấu hạ tầng, thể chế văn hóa; giải pháp về đất đai; giải pháp về bảo vệ môi trường; phát triển làng nghề gắn với du lịch; giải pháp về thiết kế mẫu mã sản phẩm; giải pháp về nguyên liệu; giải pháp về kỹ thuật, công nghệ; giải pháp về phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hiệp hội, câu lạc bộ; giải pháp về tổ chức, quản lý nhà nước và cuối cùng là giải pháp về vốn. Trong đó, chương trình hành động cụ thể giai đoạn 2010-2015 là đáp ứng nhu cầu sản phẩm du lịch làng nghề, xây dựng thương hiệu, hệ thống các cơ sở sản xuất, dịch vụ, du lịch làng nghề và phát triển làng nghề bền vững với môi trường. Giai đoạn 2016-2020 sẽ gia tăng giá trị sản phẩm của làng nghề, mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất, dịch vụ du lịch thông qua việc phát triển làng nghề truyền thống và mở rộng các làng nghề mới. Và giai đoạn 2021-2030, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thiện sản phẩm du lịch làng nghề, xử lý triệt để môi trường làng nghề.
Quy hoạch làng nghề phải giải quyết được cả vấn đề trước mắt và lâu dài
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo Thảo khẳng định, việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề là việc làm cần thiết của thành phố và cần có chiến lược phát triển làng nghề, tổ chức không gian và thời gian để bảo tồn, phát huy làng nghề. Chủ tịch cho rằng, thời gian thực hiện của đề án là 10 năm và tầm nhìn 20 năm cũng đồng hành với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vì thế cần phải xác định rõ vị trí và vai trò của các làng nghề trong bối cảnh đất nước như vậy. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng phải giải quyết được các vấn đề trước mắt như: phát triển kinh tế cho các địa phương; giải quyết vấn đề lao động nông thôn; đời sống nhân dân tại các làng nghề được nâng lên; sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường… Đồng thời, quy hoạch cũng phải xác định được mục tiêu lâu dài, đảm bảo phát triển hướng tới mục tiêu bền vững và kế thừa, phát huy có chọn lọc.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các sở, ban, ngành cần rà soát lại tất cả các nghề, làng nghề hiện có, từ đó phân loại ra các làng nghề nào cần duy trì, bảo tồn, tôn tạo; những ngành nghề nào mới ra đời; ngành nghề nào cần bỏ và có cơ chế hỗ trợ nhân dân ở đó chuyển sang nghề khác. Để thực hiện các định hướng trên hiệu quả, theo Chủ tịch, giải pháp quan trọng nhất là phải tạo cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề … về hạ tầng, vốn , hỗ trợ đào tạo, công nghệ. Trong hạ tầng, trọng tâm là hỗ trợ về điện, nước, giao thông để các làng nghề phát triển. Tiếp theo là tạo cơ chế thích hợp huy động các nguồn vốn khắc phục ô nhiễm môi trường và cảnh quan, đây là một thách thức đang đặt ra đối với làng nghề hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.