Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Mai Dịch

ANHTHU| 08/06/2004 15:36

Làng Mai Dịch có gốc gác từ làng Dịch Vọng Hậu. Giữa thời Lê, ở đầu Sở Dịch Vọng có đặt một trạm làm nơi nghỉ chân của các quan, nơi các phu dịch chuyển, tiếp nhận công văn giấy tờ trên con đường Thiên lý phía Tây về Kinh đô Thăng Long (nay là Quốc lộ 32). Dân ở các làng Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng Trung lên đây buôn bán, khai khẩn đất đai để sinh sống rồi lập ra làng Mai Dịch.

Làng Mai Dịch có gốc gác từ làng Dịch Vọng Hậu. Giữa thời Lê, ở đầu Sở Dịch Vọng có đặt một trạm làm nơi nghỉ chân của các quan, nơi các phu dịch chuyển, tiếp nhận công văn giấy tờ trên con đường Thiên lý phía Tây về Kinh đô Thăng Long (nay là Quốc lộ 32). Dân ở các làng Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng Trung lên đây buôn bán, khai khẩn đất đai để sinh sống rồi lập ra làng Mai Dịch.

Những dòng họ đầu tiên đến lập nghiệp là Nguyễn Khả, Đỗ ở Dịch Vọng Hậu và họ Bùi ở Thanh Hóa. Các dòng họ này đến nay vẫn còn nhà thờ được dựng cách đây trên 200 năm.Sau dân cư đông dần, ở tại bốn xóm là : xóm Thị (xóm lập đầu tiên, tập trung hai họ Nguyễn và Đỗ), xóm Giữa, (họ Bùi, Đoàn, Đỗ Xuân), xóm Đình (nơi dựng đình làng) và xóm Đồng Xa (cách xa khu trung tâm làng đến 1000 mét, do một nhánh họ Nguyễn lập ra). Đến đầu thế kỷ XX, làng có 1034 người, 450 mẫu ruộng, trong đó chỉ có hơn 100 mẫu ruộng công.

Dân làng Mai Dịch xưa phần lớn làm ruộng. Ngoài lúa, từ đầu thế kỷ XX, dân làng còn giỏi nghề trồng bắp cải cùng các loại cần, hành tỏi, đặc biệt là trồng hoa huệ để dùng vào việc thờ cúng, cung cấp chủ yếu cho nội thành Hà Nội. Một bộ phận dân làng nuôi vịt trên những cánh đồng trũng, làm nghề buôn, làm viên chức ở nội thành. Làng còn có nghề chế biến thuốc cam rất nổi tiếng, gọi là thuốc cam Vòng, chữa một số bệnh cho trẻ em.

Tuy thành lập muộn, nhưng làng Mai Dịch sớm có truyền thống học hành và khoa bảng. Vào năm Tân Mùi niên hiệu Đức Long đời Vua Lý Thần Tông (1631), làng có ông Nguyễn Văn Trạc (hay Khả Trạc) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, sau làm quan đến Công bộ Thượng thư, tước Hầu. Hiện ởxóm Thị vẫn còn nhà thờ ông, còn lưu 14 đạo sắc phong chức tước cho ông và bức hoành phi “Liêm Quận công“. Nhà thờ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Một nhánh dòng họ này về sau chuyển cư ra Đông Ngạc, có ông Nguyễn Dự đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Mão đời Tự Đức (1879). Ngoài ra, làng còn có 6 người đỗ Hương cống thời Lê, 3 người đỗ Cử nhân thời Nguyễn, 9 người đỗ Tú tài. Trong số các Tú tài, đáng chú ý có ông Nguyễn Huy Vinh là cháu xa đời của Tiến sĩ Nguyễn Khả Trạc. Truyền rằng, mẹ mất sớm, cha đi lấy vợ khác nên Nguyên Huy Vinh cùng anh là Nguyễn Hương phải tự kiếm sống bằng cách cắm lều nuôi vịt ở cánh đồng Xa. Vừa chăn vịt, hai anh em cùng bảo nhau vừa học, sau cả hai cùng đỗ Tú tài tại khoa liền (Đinh Mùi - 1847 và Mậu Thân - 1848). Khi giấy báo đỗ truyền về, hai ông vẫn đang chăn vịt ở ngoài đồng. Vì vậy dân trong vùng gọi hai ông là “Tú Vịt”. Sau khi thi đỗ, hai ông không ra làm quan mà vẫn ở lại đồng Xa dựng nhà, mở lớp dạy trẻ học, dạy dân làng cách làm ăn, vì thế, người ra đây ở ngày càng đông, dần dần hình thành một xóm mới, gọi là xóm Đồng Xa.

Làng Mai Dịch có ngôi đình ở cạnh Quốc lộ 32, dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), gồm đại đình 5 gian và tòa phương đình 8 mái. Đình thờ Lý Phật Tử. Bên cạnh đình có đàn tế Tiên nông, đàn tế Tiên lão. Xưa kia, trong kỳ hội làng, có tục rước giao hảo với làng Dịch Vọng Hậu.

Do từ làng gốc Dịch Vọng Hậu tách ra nên Mai Dịch chung chùa Thánh Chúa với làng này.

Mai Dịch hiện đang trên quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Mai Dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.