Làng Mạc Xá ở ven sông Hồng và sông Nhuệ. Xưa kia, làng ở giáp làng Hoàng Xá, nhưng đến năm Ất Mão đời Duy Tân (1915), quãng đê ở ngay đầu làng bị vỡ, cuốn trôi tất cả nhà cửa, đình chùa, tạo nên một vực sâu, rộng đến 54 mẫu nay vẫn còn, chuyên để thả cá. Sau đó dân làng chuyển đến những vạt ruộng cao trên bờ con vực do phù sa bồi lên. Quãng đê vỡ cũng được chuyển theo đường khác.
Sát nơi đê vỡ, trên đất làng Hoàng Xá, vào năm 1935, chính quyền thực dân Pháp đã cho xây một cống điều tiết nước lũ sông Hồng và sông Nhuệ, gọi là cống Liên Mạc Dấu tích của làng cũ chỉ còn duy nhất ngôi miếu chúng sinh ở giáp làng Hoàng Xá, nép dưới chân đê.
Mạc Xá mới được hình thành khoảng trên 400 năm nay. Trước Cách mạng, làng có trên 620 khẩu (năm 1926). Cuối thế kỷ XIX, làng vẫn có tên là Mạc Xá, cũng là một xã độc lập, thuộc tổng Hạ Trì, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831) cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (từ 1888 thuộc tỉnh Cầu Đơ, đến 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Đầu thế kỷ XX, làng đổi tên thành Liên Mạc, nhưng dân trong vùng vẫn quen gọi là làng Mạc. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Yên Nội, Hoàng Xá, Đại Cát, Thượng Cát, Đống Ba thành xã Tân Dân. Sau Cải cách ruộng đất, bốn làng : Mạc Xá, Yên Nội, Hoàng Xá, Đại Cát tách ra thành xã Tân Tiến (đến 1965 đổi thành xã Liên Mạc), thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Năm 1961, xã Liên Mạc chuyển về huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Theo địa bạ Gia Long năm thứ tư (1805), làng chỉ có 323 mẫu ruộng, trong đó, ruộng công có 4 mẫu 8 sào, ruộng chùa và ruộng tế lễ 12 mẫu 4 sào, đất công châu thổ có 10 mẫu. Theo các bô lão trong làng, xa xưa, số công châu thổ có trên có trên 50 mẫu, để chia cho đinh nam mỗi người được nửa sào, nhưng sau bị nước lũ làm lở gần hết. Ngoài làm ruộng, dân làng còn có nghề đan lát, sản phẩm chính là bồ và cót. Xưa kia, đời sống nhân dân rất cơ cực vì ruộng đất ít, mùa màng luôn bị nước lụt đe dọa. Chỉ riêng đầu thế kỷ XX, hai lần vỡ đê liên tiếp vào các năm : Giáp Dần (1914) và Ất Mão (1915), gây thiệt hại lớn và nỗi kinh hoàng cho dân làng :
Năm trước là năm Giáp Dần,
Năm sau ất Mão, hai lần vỡ đê
Trông thấy đường vỡ mà ghê
Nước chảy ba tháng chưa hề cạn đâu
Làng Mạc Xá có ngôi đình và ngôi chùa (Xà Lê tự) được dựng lại năm Mậu Thìn (1928), sau trận vỡ đê 13 năm. Đình thờ Cao Sơn đại vương, tương truyền là một trong 50 người con trai Lạc Long Quân, theo cha lên núi; đồng thời thờ vọng Lý Thân (Lý Ông Trọng) - người làng Chèm.
Làng Mạc kết nghĩa với hai làng Hoàng Xá và Thụy Phương, nên dù nghèo, dân làng vẫn phải theo tục lệ rất nặng nề của hai làng này. Theo lệ, mỗi năm hai lần, vào thánh Hai và tháng Năm, giỗ Lý ông Trọng và hội đình Chèm, làng Mạc phải mổ hai con trâu được nuôi rất kỳ công, rước xuống đình Chèm để tế lễ. Trong lệ tháng Năm, những trai đinh đến lượt phải chuẩn bị hàng tạ gạo nếp, hai con lợn to để hàng giáp ăn uống. Người nào đến lượt sửa lễ rất vất vả, tốn kém. Ngoài ra, tục lệ ở đình làng cũng rất nặng nề. Đây cũng là nguyên nhân làm cho làm cho dân làng nghèo khó.
Từ đầu năm 1937, những thanh niên làng Mạc làm nghề bốc vác ở bến Kẻ (làng Thượng Cát) đã bắt gặp ánh sáng cách mạng, hình thành tổ chức cách mạng. Sau đó, làng Mạc trở thành một điểm trong An toàn khu của Trung ương. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Tùng từng ăn nghỉ, hoạt động tại làng. Do công nuôi giấu cán bộ, 7 gia đình được tặng thưởng “Bằng Có công với nước”.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.