Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Linh Đàm

HONGHAI| 09/03/2004 12:59

Làng Linh Đàm (hay Linh Đường) thời phong kiến hợp với làng Đại Từ thành xã Linh Đàm, từ sau hoà bình lập lại là một thôn thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì cũ, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Làng như một hòn đảo nhỏ nổi lên ở phía Nam đầm Linh Đàm.

Làng Linh Đàm (hay Linh Đường) thời phong kiến hợp với làng Đại Từ thành xã Linh Đàm, từ sau hoà bình lập lại là một thôn thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì cũ, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Làng như một hòn đảo nhỏ nổi lên ở phía Nam đầm Linh Đàm.

Linh Đàm có nghĩa là đầm cỏ thơm. Còn Linh Đường có nghĩa là hồ nước có cỏ linh chi – một loại cỏ dùng làm thuốc. Đầm còn được gọi là Liên Đàm, nghĩa là đầm sen, bởi đầm có nhiều hoa sen. Sử triều Nguyễn gọi là Nguyệt Kính hồ. Hồ còn nổi tiếng cả về hình dáng đẹp và sắc nước trong, nên chiếc cầu bắc qua cửa đầm gọi là Cầu Tiên.

Đầm Linh Đàm rộng khoảng 72 ha, từ xa xưa nó giữ vai trò là trung tâm liên kết các làng xã xung quanh hồ thông qua những hình thức thờ phụng và lễ hội. Khối tâm linh đó là vị Thần của đầm, tương truyền là học trò của Chu Văn An có công giúp dân chống hạn, cứu mùa màng, được huyền thoại hóa là con vua Thủy Tề đã làm mưa cho 5 xã 7 thôn, được cả vùng thờ làm Thành hoàng.

Làng Linh Đàm có họ Hoàng là dòng họ nổi tiếng, có 2 vị đỗ đại khoa là Hoàng Đình Tá (1816 - ?), đỗ Đình nguyên, Hoàng giáp khoa Nhâm Dần đời Thiệu Trị (1842), làm quan Tri phủ, Hoàng Đình Chuyên (1812 - ?), là anh Hoàng Đình Tá, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Dậu đời Tự Đức (1849), làm quan án sát Tuyên Quang, sau làm Đốc học Tuyên Quang.

Linh Đàm còn có họ Nguyễn khá nổi tiếng với ông Nguyễn Đình Tư, đỗ Giải nguyên thời chúa Trịnh Giang, làm Tư giảng cho cả vua Lê ý Tông và chúa Trịnh Doanh. Nguyễn Đình Tư uyên thâm Nho học, là bạn của nhiều danh sĩ đương thời, có 3 người con trai được phong Quận công và 3 người con gái đều làm vương phi trong phủ chúa Trịnh, trong đó có bà Quốc Thánh mẫu Nguyễn Thị Hoa Dung (Nguyễn Thị Khương) lấy chúa Trịnh Doanh đẻ ra Trịnh Sâm. Vì thế, Nguyễn Đình Tư được Trịnh Sâm phong là Triệu Khánh công, Thượng đẳng phúc thần. Khi Đặng Thị Huệ (vợ Trịnh Sâm) lộng quyền, bà Hoa Dung về sống ở quê Linh Đường, giúp làng sửa đình, chùa.

Thời Nguyễn, Linh Đường có 3 vị đỗ Cử nhân, trong đó có 2 anh em Trương Điền và Trương Mãn cùng đỗ khoa Tân Tỵ đời Minh Mạng (1821).

Một sự kiện lịch sử quan trọng khác liên quan đến làng Linh Đàm là việc Quang Toản làm mộ giả vua cha Quang Trung ở đây để sứ thần nhà Thanh đến thăm viếng vào năm Qúy Sửu (1793, theo Hoàng Lê nhất thống chí).

Linh Đàm trước có ngôi đình được xây dựng khá quy mô vào năm Chính Hòa thứ 19 (1698), lúc đầu là đình chung với làng Đại Từ kề cận, sau trở thành tâm điểm sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của chung các làng xã quanh đầm Linh Đàm, do thờ vị Thủy Thần của đầm. Đình đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp và mới được xây dựng lại theo quy mô cũ.

Làng có chùa Linh Đàm, mới được dựng vào năm đầu đời Bảo Đại (1926) và chùa Đại Bi, là chùa chung với làng Đại Từ, được dựng từ lâu, đến năm Hoằng Định thứ năm (1604), vợ chồng Ngạn Quận công họ Trịnh đứng ra tu sửa. Sau đó, được tu sửa nhiều lần.

Linh Đường ngày nay đã trở thành khu đô thị lớn, đẹp ở phía Nam thành phố.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Linh Đàm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.