Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lặng lẽ Vũ Thị Thường

Bùi Việt Thắng| 26/06/2021 05:55

(HNMCT) - Vũ Thị Thường là một trong số ít nhà văn Việt Nam thời hiện đại chuyên chú và thành danh chỉ với sáng tác truyện ngắn. Một gia tài không thể nói là nhiều, nhưng cũng không thể nói là ít với 7 tập truyện ngắn trải dài trong 39 năm, từ 1959 đến năm 1998.

Truyện ngắn Vũ Thị Thường thuộc kiểu loại truyền thống (tiêu biểu về cốt truyện, nhân vật rõ nét, hướng tới ánh sáng). Đọc văn Vũ Thị Thường người đọc cảm thấy yên tâm, an nhiên vì được ở cạnh một người tốt, chịu khó lắng nghe và biết chia sẻ với người khác. Nhà văn không gây sốc cho người đọc với những tình huống éo le, oan trái, dị thường; nhân vật của bà thường là những con người “trung bình”, không lên đỉnh cũng không rơi xuống vực đáy. Văn Vũ Thị Thường tuân thủ nguyên lý tối thượng “cái đẹp là sự giản dị”. Văn Vũ Thị Thường, thiết nghĩ, phù hợp với lớp người ưa sống chậm, thích nghiền ngẫm nhân tình thế thái, một kiểu văn có tác dụng cân bằng tâm thế.

Nhà báo - nhà văn Vũ Thị Thường tên thật là Lê Kim Nga, sinh năm 1930, quê quán ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, bà tham gia công tác công đoàn, phụ nữ ở Thái Bình. Giai đoạn 1958 - 1961, bà làm báo ở Kiến An, Hải Phòng. Bắt đầu viết văn từ năm 1956, hai năm sau (năm 1958) bà đoạt giải A cuộc thi truyện ngắn báo Văn học với tác phẩm “Cái hom giỏ”.

Năm 1959, Vũ Thị Thường được dự Lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên, biên tập viên của báo Văn học khi ấy đã ngoài 40 tuổi, vừa trở lại cuộc sống độc thân. Họ đã đến bên nhau bằng những tình cảm nồng thắm. Dấu ấn mối tình in đậm nét trong nhiều thi phẩm của Chế Lan Viên: “Cái rét đầu mùa, anh rét xa em/ Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa/ Một đắp cho em ở vùng sóng bể/ Một đắp cho mình ở phía không em”.

Thập niên 1960 khi mối tình chớm nở cũng là quãng thời gian Chế Lan Viên viết nhiều thơ tình nhất. Những năm sau khi người bạn đời đi vào cõi vĩnh hằng, nhà văn Vũ Thị Thường cùng con gái - nhà văn Phan Thị Vàng Anh, đã dày công sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu 3 tập “Di cảo thơ Chế Lan Viên” (NXB Thuận Hóa, 1992 - 1996) với hơn 5.000 tác phẩm, trong đó công bố bài thơ “Những mảnh trời xưa” mà Chế Lan Viên viết cho cuộc hôn nhân đã tan vỡ của mình. Với nhà văn Vũ Thị Thường, “Những mảnh trời xưa” chỉ là một thi phẩm trong hành trình thơ Chế Lan Viên mà bà muốn nâng niu, gìn giữ. Đó là nghĩa cử, là hành động đồng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ngôn từ.

Sau này, dường như bà vẫn còn muốn di sản thơ ca của Chế Lan Viên tiếp tục đến với đông đảo người đọc nhiều hơn nữa nên đã cố gắng, với sự trợ giúp của Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ra mắt “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên” (2017) với 278 thi phẩm chọn lọc từ tập thơ đầu tay “Điêu tàn” (1937) đến những bài hay nhất trong “Di cảo” (1987). Cuốn sách đã đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ sáng tạo của một thi nhân nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XX. Người ta thường nói, đằng sau một người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ, là hoàn toàn chính xác trong trường hợp này.

Từ năm 1961, nhà văn Vũ Thị Thường lần lượt công tác ở các cơ quan báo Văn học, Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam. Bà từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Sau năm 1975, nhà văn cùng gia đình chuyển vào sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ tạo dấu ấn trên văn đàn bằng tác phẩm “Cái hom giỏ”, nhà văn Vũ Thị Thường còn có các tập truyện ngắn nổi tiếng khác “Gánh vác”, “Hai chị em”, “Bông hoa súng”, “Vợ chồng ông lão chăn vịt”, “Câu chuyện bắt đầu từ những đứa trẻ”, “Con yêu con ghét”.

Cũng cần chú thích thêm, ngoài tinh thần "trụ hạng" với truyện ngắn, nhà văn Vũ Thị Thường còn viết kịch lịch sử “An Tư công chúa”, truyện thiếu nhi “Vịt chị, vịt em”, kịch đồng thoại “Ở sân nuôi gà vịt” và truyện dài “Vết rạn”. Năm 2007, nhà văn Vũ Thị Thường vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Năm nay, nhà văn Vũ Thị Thường đã ở tuổi 91 nhưng bà vẫn minh mẫn, vui sống với con cháu, với văn chương chữ nghĩa. Thật là ân huệ của thời gian ban tặng một con người hiền tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặng lẽ Vũ Thị Thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.