Làng Láng Thượng ở phía đầu Cầu Giấy, xưa kia có bốn xóm là: Chùa Nền, Ngõ Chế, Gốc Thị Trên và Gốc Thị Dưới (dân làng quan gọi là Dâu Nhất, Dâu Nhì, Dâu Ba và Dâu Tư). Làng có bốn giáp là : Bắc, Cầu Đông, Cầu Thượng và giáp Ngọ. Láng Thượng tập trung đến ba ngôi đền và ba ngôi chùa
Lễ hội Chùa Láng
Đền Vĩnh Giai của hai giáp Cầu Thượng và Cầu Đông, thờ bà Thần Anh, là vú nuôi của Vua Lý Thần Tông, nên khi làm chùa Láng thì cũng làm đền thờ bà. Đền Ngọ của giáp Ngọ thờ vọng Linh Lang đại vương, vốn là con Vua Lý Thái Tông, tham gia chiến đấu chống quân xâm lược Tống trên phòng tuyến sông Cầu năm 1077 (đền thờ chính ở Thủ Lệ) . Ngoài ra còn có ngôi đền thờ thần Cao Sơn, là con của Lạc Long Quân, theo cha lên núi lập nghiệp.
Ba ngôi chùa của làng là chùa Nền, chùa Thưa và chùa Chiêu Thiền. Chùa Nền có tên chữ là Đản Thánh Cơ tựdựng đời Vua Lý Thần Tông (1128 – 1138), thờ hai vị Từ Vinh và Tằng Thị Loan – thân sinh ra Từ Đạo Hạnh. Chùa có kiến trúc chũ Tam, tuy nhỏ, nhưng kiến trúc đẹp. Trong chùa còn lưu ba sắc phong (thời Nguyễn) cho Từ Vinh, quả chuông đông đúc năm Canh Thân (1740) ca ngợi chùa là “một thắng cảnh dứơi trời Nam của một làng danh tiếng trên đất Bắc”.
Chùa Thưa ở phía Bắc chùa Nền, thờ Từ Nương, húy là Lan (là chị Từ Đạo Hạnh), đã dùng pháp thuật để ngăn chặn được hành động hãm hại vua của Giác Hoàng. Chùa đã bị đổ gần 100 năm nay.
Di tích nổi tiếng là Chiêu Thiền tự, thường gọi là chùa Láng, được dựng từ đời Vua Lý Anh Tông (1138 - 1175). Chùa có kiến trúc kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, tổng cộng có 100 gian, vì thế đây còn gọi là chùa Trăm gian, là một trong bốn chùa Trăm gian nổi tiếng nhất trên vùng châu thổ Bắc Bộ. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Từ Đạo Hạnh và Vua Lý Thần Tông. Từ Đạo Hạnh, nhưdân gan truyền lại, là vị Pháp sư giỏi, đã sinh ra Vua Lý Thần Tông (? - 1138). Trong chùa hiện còn lưu 15 tấm bia, đáng chú ý nhất là bia Tạo lệ dựng năm Thịnh Đức thứ tư (1656). Văn bia cho biết, chúa Trịnh Tạc khi đó là Tây Quốc công, Trấn thủ Sơn Nam cùng vợ là công chúa Lê Thị Ngọc đến thăm và hiến cho chùa một mẫu ruộng, sai Tiến sĩ Nguyễn Khả Trạc (người làng Mai Dịch, quận Cầu Giấy)soạn văn bia lưu lại. Trong chùa còn lưu 12 đạo sắc của các triều vua phong cho Từ Đạo Hạnh và Vua Lý Thần Tông.
Hội Láng (chung cho cả Láng Trung, Láng Hạ, làng Thành Công, Thượng Đình, Thượng Yên Quyết và các làng thuộc tổng Hạ) là hội lớn, có tiếng trong vùng, tổ chức vào ngày mồng bảy tháng Ba. Năm nào thật được mùa, hội kéo dài trong 10 ngày. Theo lệ, từ ngày mồng 5, tế cha mẹ Từ Đạo Hạnh ở chùa Nền. Ngày mồng 6, làm lễ mộc dục. Ngày mồng 7, lễ rước “thăm cha” xuống chùa Tam Huyền của làng Mọc Thượng Đình, tương truyềnđầu Từ Vinh - thân phụ Từ Đạo Hạnh khi bị sư Đại Điên chém đã trôi theo sông Tô Lịch xuống đến đó thì mắc. Năm nào hạn hán thì rước qua sông Tô sang làng Thượng Yên Quyết “thăm mẹ” (bà Tằng Thị Loan). Ngoài tế lễ, rước, hội Láng còn có đấu võm chọi gà, cờ bỏi, đặc biệt là có tục thổi cơm thi, dưới hai hình thức : thổi cơm cần, vừa quảy gánh vừa thổi và thổi cơm chăn cóc. Người dự thi đặt bếp trên đôi quang gánh để nấu cơm, trong khi phải giữ con cóc “yên vị” trong vòng tròn có đường kính 1, 5 mét. Khi cơm chín, mọi người dự thi đem lên để Ban giám khảo chấm.
Chùa Láng có một vinh dự lớn: vào dịp Tết Bính Tuất (năm 1946), là nơi tổ chức chợ phiên, trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp của nhân dân ngoại thành Hà Nội, để nhân dân đến xem; đồng thời quyên tiền ủng hộ đồng bào miền Nam kháng chiến.Chợ phiên tổ chức từ mồng hai Tết đến 10 tháng Giêng. Sáng ngày mồng bốn Tết (5- 2 - 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm chợ. Chợ phiên đã thu được trên một vạn đồng để ủng hộ đồng bào miền Nam.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.