Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Lạc Trung

TUYETMINH| 04/07/2006 10:05

(HNMĐT)- Làng Lạc Trung tiếp giáp với đê Bình Lao (cuối đường Trần Khát Chân hiện nay) về phía Bắc, hai làng Quỳnh Lôi và Mai Động về phía Nam, hai làng Thanh Nhàn và Lương Yên về phía Tây (ranh giới là ngòi Kim Ngưu); phía Đông là con đê mới từ lò sát sinh Lương Yên xuống Vĩnh Tuy.

(HNMĐT)- Làng Lạc Trung tiếp giáp với đê Bình Lao (cuối đường Trần Khát Chân hiện nay) về phía Bắc, hai làng Quỳnh Lôi và Mai Động về phía Nam, hai làng Thanh Nhàn và Lương Yên về phía Tây (ranh giới là ngòi Kim Ngưu); phía Đông là con đê mới từ lò sát sinh Lương Yên xuống Vĩnh Tuy.

Trong và quanh làng có rất nhiều đầm hồ rộng để thả sen, trồng rau muống, thả cá. Xưa kia dân cư tập trung ở phía Bắc (cuối đường Trần Khát Chân hiện nay). Làng gồm các xóm : xóm Hương Thể (tập trung đông dân cư), xóm Trong (dân cư thưa thớt), xóm Trung Trí và xóm Bãi ở giáp sông Hồng (do những người thiếu đất ra đây để có đất ở và đất sản xuất). Làng có hai giáp : Lạc Trung và Hương Thể. Làng Lạc Trung có hai họ lớn là họ Trịnh (dòng dõi chúa Trịnh Giang và họ Nguyễn (có nhiều người làm công chức). Tục truyền, con cháu chúa Trịnh được “độc quyền” chiếm ao Cung đường là một ao to, rộng, giữa có đảo nhỏ là nơi hóng mát rất tốt. Năm 1928, làng có 674 nhân khẩu.

Đầu thế kỷ XIX, Lạc Trung thuộc tổng Hậu Nghiêm (sau đổi thành tổng Thanh Nhàn), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (từ năm 1931 thuộc tỉnh Hà Nội), từ năm 1915 thuộc huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, đến năm 1942 huyện này đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, làng thuộc khu Đề Thám, sau đó thuộc quận Quỳnh Lôi của địch. Hoà Bình lập lại thuộc quận VI, từ năm 1961 thuộc khu phố Hai Bà. Từ năm 1981 thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Dân làng Lạc Trung xưa kia chỉ trồng rau muống trong các hồ đầm và trồng rau cải trên các dải đất ven sông Kim Ngưu và trồng ổi trong vườn. Nam giới có một số người làm thợ nề, thợ mộc. Do vậy, trước Cách mạng Tháng Tám, đa số dân làng đều nghèo, chỉ có một số gia đình có người làm viên chức trong các công sở nhà nước hay làm thư ký cho các sở tư đời sống khá hơn. Những năm 30 của thế kỷ XX, trong làng có ông Nguyễn Hữu Thu làm chủ hãng vận tải ô tô và tàu thủy ở Hải Phòng, làm ăn rất phát đạt. Do làng ở xa thành phố, giữa một vùng ao hồ nên không thuận tiên cho việc đặt các cơ sở sản xuất công nghiệp. Ngay cả vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nội thành bành trướng ra ngoại thành thì tại làng Lạc Trung cũng chỉ có một cơ sở đóng là Xưởng thuộc da Bích á, song chỉ được vài năm lại chuyển đi nơi khác.

Điều đặc biệt là làng Lạc Trung xưa kia có đến ba ngôi đình : một ngôi của giáp Hương Thể (gọi là đình Hương Thể) và hai ngôi (đình Thượng, đình Hạ của giáp Lạc Trung). Các đình đều thờ thổ thần. Lệ tục thờ cúng ở các đình đều đơn giản. Làng có hai chùa (mỗi giáp một chùa) và có chung một Văn chỉ. Vào đầu thế kỷ XX, một bộ phận dân cư xóm Trung Trí theo Thiên chúa giáo, nên đến năm 1907 tại xóm này đã dựng một nhà thờ cho giáo dân làm lễ, song không có cha cố, chỉ có trùm trưởng cai quản, khi có lễ lớn phải mời cha cố ở nhà thờ Hàm Long xuống làm lễ.

Ngày nay, làng Lạc Trung đã trở thành những khu dân cư đông đúc ở phía Tây Nam thành phố.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Lạc Trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.