Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lăng kính văn nghệ

Hà Dương| 16/10/2011 06:57

(HNM) - * Thái Hà books vừa giới thiệu một số đầu sách xuất bản trong tháng 10 về các lĩnh vực văn học, văn hóa, xã hội… Đó là “Chuyện đời vớ vẩn” (tạp văn của Nguyễn Quang Lập), “Thế nào là Phật tử” (về những giá trị truyền thống của phương Đông trong hoàn cảnh phương Tây hậu hiện đại), “Đức Phật trong ba lô” (của tác giả Franz Metcalf, được coi là Phật pháp hằng ngày cho giới trẻ). Bên cạnh đó còn có cuốn “Là phụ nữ tôi có quyền” (của Louise L.Hay) - một món quà nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10).

* “Ba tên béo ị” của tác giả Iuri Caclovit Olesa do NXB Kim Đồng ấn hành là một câu chuyện thiếu nhi hấp dẫn theo lối kể của mô-típ cổ tích (cái thiện thắng cái ác, kẻ xấu bị trừng trị). Tuy nhiên, tác phẩm cũng có hơi hướng hiện đại và một giọng điệu phù hợp với sự hồn hậu của trẻ em. “Ba tên béo ị” kể về hành trình của Tiến sĩ Gaspac Acneri cùng những người đồng lòng chiến đấu chống lại những kẻ lười biếng, tham ăn, chuyên bóc lột những người dân lao động chăm chỉ. Trong những tình huống cao trào, tưởng phải có phép màu mới giải quyết được, nhưng tác giả đã khéo dẫn dắt để bạn đọc nhỏ hiểu rằng tất cả là nhờ sự nhanh trí, lòng dũng cảm của những người tốt bụng.

* NXB Văn học và Nhã Nam vừa giới thiệu câu chuyện độc đáo “Tử tước chẻ đôi” - tác phẩm đương đại của Nhà văn Italia thế kỷ XX - Italo Calvino. Chàng Tử tước Medardo trở về từ chiến trận với một thương tích đặc biệt: bị tách ra thành hai phần tồn tại độc lập như hai cá thể riêng biệt. Một nửa tập hợp những điểm xấu xa, độc ác. Nửa kia thì ngược lại, với những tính cách và suy nghĩ tốt đẹp. Sự sáng tạo của Italo Calvino không chỉ giúp người đọc có những trải nghiệm mới, mà còn là cách để nhà văn này chạm tới những vấn đề sâu thẳm trong cuộc sống con người. Italo Calvino (1923-1985) là nhà văn được biết đến với lối viết luôn đổi mới và những đề tài đa dạng. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là “Nếu một đêm đông có người lữ khách”, bộ ba tiểu thuyết “Tổ tiên của chúng ta”, “Nam tước trên cây” và “Hiệp sĩ không hiện hữu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lăng kính văn nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.