Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Kim Sơn

HONGHAI| 02/03/2004 08:30

Làng Kim Sơn, tên Nôm là làng Then cùng với 3 thôn (làng) khác là Giao Tất (làng Keo), Giao Tự (làng Chè) và Linh Quy (làng Vụi) hợp thành xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc.

"Làng Then nọ rành rành thửa trước
Bảng vàng ghi hai tướng năm hiền"
(Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự)

Làng Kim Sơn, tên Nôm là làng Then cùng với 3 thôn (làng) khác là Giao Tất (làng Keo), Giao Tự (làng Chè) và Linh Quy (làng Vụi) hợp thành xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc.

Kim Sơn nằm ven sông Đuống, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi từ xưa là nghề chính của dân làng, ngoài ra có buôn bán nhỏ. Xưa kia, bến sông ở làng Giao Tự là nơi buôn bán sầm uất, với những mặt hàng từ biển mang đến như: mắm, muối, cá, tôm, cua; những bè tre, lá gồi, nứa, gỗ từ trên rừng xuôi về, người bán kẻ buôn tấp nập, trên bến dưới thuyền.

Dưới thời phong kiến, làng Kim Sơn nổi tiếng có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Câu ngạnn ngữ : "Phú Thị chi nhất hạng tứ thượng thư, Kim Sơn chi ngũ hiền nhị vị tể tướng" (làng Phú Thị đứng hàng đầu với 4 thượng thư, làng Kim Sơn có 5 người hiền, 2 tể tướng). Năm vị Tiến sĩ của làng là :

1- Nguyễn Mậu Tài (1615 - 1688): đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái, đời Lê Chân Tông (1646), làm quan đến Tham tụng (Tể tướng). Năm Quí Sửu niên hiệu Dương Đức (1673), được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh, làm quan hơn 40 năm, vẫn thanh khiết như kẻ hàn sĩ.

2- Nguyễn Mậu Dị (1622 - ?), là em Mậu Tài, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ, đời Lê Thần Tông (1659), làm quan đến chức Lễ khoa Đô cấp sự trung.

3- Nguyễn Mậu Thịnh hay Mậu áng (1668 - ?), là cháu nội Nguyễn Mậu Tài, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông (1691), Phó Đô ngự sử, tước Nam. Năm ất Mùi (1715), được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh.

4- Nguyễn Duy Viên (1662 - ?), đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất, niên hiệu Chính Hoà, đời Lê Hy Tông (1694), làm quan đến chức Thiêm Đô Ngự sử.

5- Nguyễn (Phạm) Khiêm ích (1679 - 1741), là cháu nội Nguyễn Mậu Tài, sau làm con nuôi Tiến sĩ Ohạm Công Thiện ở làng Bảo Triện (Bắc ninh) nên đổi làm họ Phạm, đỗ Thám hoa khoa Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời Lê Dụ Tông (1710), làm quan đến Binh bộ, Lễ bộ Thượng thư, Thiếu bảo, Bồi tụng. Năm Bính Ngọ (1726), ông làm Chánh sứ sang nhà Thanh, đúng vào kì thi Hội của nhà Thanh, ông vào ứng thí. Bài Văn sách của ông đáng đỗ Trạng nguyên, song các quan đình thần nhà Thanh cho ông đỗ Thám hoa. Vì thế, người đời sau gọi ông là “Lưỡng quốc Thám hoa”.

Là một làng nông nghiệp, nhưng cơ cấu tổ chức của làng Kim Sơn trước Cách mạng tháng Tám 1945 không dựa vào thiết chế giáp mà lấy lớp tuổi để phân bổ thực hiện việc làng. Đây là một hiện tượng rất hiếm trên vùng châu thổ Bắc Bộ.

Làng Kim Sơn hiện còn ngồi đình, gồm nhà tiền tế 3 gian nối với đại đình 5 gian, bằng toà phương đình. Đình thờ Cao Điền và Cao Đô - hai vị tướng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Sau khi dẹp yên 12 sứ quân, 2 ông được ban thực ấp ở Gia Lâm, thấy Kim Sơn là mảnh đất sơn thuỷ hữu tình, đã lập doanh trại ở đây.

Hội làng tổ chức từ ngày 10 đến 19 - 3 hàng năm.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Kim Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.