Làng Kim Lan (tên Nôm là làng Sươn) thuộc huyện Gia Lâm được thành lập từ rất sớm. Theo lưu truyền dân gian, thời Hùng Vương thứ 18, công chúa Tiên Dung có lần từ Kinh đô Việt Trì theo sông Hồng qua địa phận làng Kim Lan, thấy cảnh sơn thuỷ hữu tình đã dừng lại nghỉ ngơi trước khi về làng Chử Xá gặp Chử Đồng Tử. Năm 40 sau Công nguyên, một cánh quân của Hai Bà từ Luy Lâu đến tập kết tại Kim Lan, rồi vượt sông Hồng sang Long Biên tiếp tục truy quét quân thù.
Tư liệu khảo cổ học chứng minh: dọc bờ sông Hồng của địa phận Kim Lan, từ Hàm Rồng đến Cạnh Triền, đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm cổ. Đầu năm 2001, Viện Khảo cổ học đã khai quật khu di chỉ gốm sứ Kim Lan, tìm thấy nhiều di vật có độ tuổi từ 1000 đến 2000 năm.
Đầu thế kỷ XIX, làng (cũng là xã) Kim Lan đổi thành Kim Quan, thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1948, Kim Lan hợp nhất với hai làng Bát Tràng, Giang Cao thành xã Quang Minh. Tháng 4 - 1957, Kim Lan được tách ra thành xã riêng. Từ tháng 6 - 1961, Kim Lan cùng các xã thuộc huyện Gia Lâm được nhập về Hà Nội.
Kim Lan xưa có 16 xóm: Và, Dụ, Đình, Chùa, Triền, Mả Cuối, Chợ, Bến, Đìa, Bệ, Cái Ngang, Cống Cái, Hậu, Gồ Đình, Bông, Đầu Cổng. Xóm Và và xóm Dụ nay không còn, vì đã bị lở xuống sông.
Thời Vua Lê Hiến Tông trị vì (1498 - 1505), vì vùng bãi sông Hồng bị sạt lở, một bộ phận dân làng thuộc bốn dòng họ : Đinh, Trịnh, Hoàng, Phùng đến lập Kim Quan sở (nay là thôn Kim Quan, xã Việt Hưng cùng thuộchuyện Gia Lâm). Về sau tại đây dân cư đông đúc, nên một bộ phận lại sang bên kia sông Đuống lập làng Kim Quan Đông, thuộc xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.
Trước Cách mạng, làng Kim Lan có đến 28 giáp, phân công trông thờ bốn miếu trong làng. Hai miếu: Bản, Cả cùng có 6 giáp; hai miếu Thượng và Triền cùng có 7 giáp. Ngoài ra còn 2 giáp theo Công giáo là Thuận Hoà và Nghĩa Hòa.
Hiện nay, Kim Lan có 12 dòng họ, 1085 hộ, 4371 nhân khẩu. Họ Nguyễn chiếm đông nhất (689 hộ).
Theo các sách Đăng khoa lục, thời phong kiến, Kim Lan có hai người đỗ Hoàng giáp là Vũ Lãm (khoa Nhâm Tuất niên hiêu Đại Bảo đời Lê Thái Tông -1442), làm quan đến chức Ngự tiền học sinh, Hàn lâm viện trực học sĩ và Đinh Nguyên Hanh (1683 - ?), đỗ khoa ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời Lê Dụ Tông (1715), làm quan Tả Thị lang bộ Binh.
Theo thần phả còn lưu ở đình thì làng còn có ông Nguyễn Thạch Việt đỗ khoa thi Thi thư năm ất Tỵ niên hiệu Trinh Phù (1185), lại đỗ khoa thi Tam giáo năm ất Mão niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy đời Vua Lý Cao Tông (1195).
Ngoài ra, làng Kim Lan còn có 48 người đỗ đạt ở các mức khác nhau.
Kim Lan có đình, bốn miếu, bốn chùa, cùng văn chỉ và nhà thờ Thiên chúa giáo, có Gò Quốc công ở xóm Hậu, là nơi đặt phần mộ của Quốc công Lê Khả Lãng - một trong những người tham gia Hội thề Lũng Nhai (1416), lập được nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược Minh, được phong Bình Ngô khai quốc, Thái uý.
Hằng năm làng Kim Lan mở hội từ ngày mồng 10 đến 15 tháng Giêng.
TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.