Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Kim Giang

LANHUONG| 16/03/2005 11:26

(HNMĐT) - Làng Kim Giang tên Nôm là Lủ Cầu, vốn là một xóm của làng Lủ, sau phát triển thành làng cùng với hai xóm khác  (Lủ Văn và Lủ Trung), tên chữ của ba làng là Kim Giang, Kim Văn và Kim Lũ. Đầu thế kỷ XIX, ba làng nằm trong xã Kim Lũ thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1889 trở đi thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông).

Trong kháng chiến chống Pháp, xã Kim Lũ đổi tên thành Tam Kim, rồi nhập với hai thôn Thượng Đình, Hạ Đình thành xã Kim Đình. Hòa bình lập lại, Thượng - Hạ Đình cắt về xã Nhân Chính, còn các làng thuộc xã Kim Lũ cũ nhập với làng Đại Từ thành xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, từ tháng 6 - 1961 được chuyển về Hà Nội.

Tháng 10 - 1982, theo Quyết định 173 HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, phường Kim Giang được thành lập trên cơ sở một phần diện tích và dân số của làng Kim Giang cùng phần đất và dân cư dọc đoạn đường ven theo sông Tô Lịch (từ phường Thượng Đình tới xã Đại Kim). Phường Kim Giang thuộc quận Đống Đa, từ tháng 12 - 1996 được cắt về quận Thanh Xuân; còn xã Đại Kim từ tháng 11 - 2003 được chuyển thành phường thuộc quận Hoàng Mai.

Cũng như hai làng Kim Lũ và Kim Văn, làng Kim Giang vốn là làng nông nghiệp, những do gần Kinh đô, tiện lợi về giao thông nên làng còn buôn bán và làm các nghề làm bỏng, làm kẹo, làm cốm, làm chè lam, làm bánh đa khoai, làm quạt nên kinh tế của làng cũng khá phát đạt.

Làng Kim Giang có ông Nguyễn Nhân Chínhđỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Đức Long, đời Vua Lê Thần Tông (năm 1634), làm quan đến chức Lại bộ Tả Thị lang, tước Hầu.

Làng Kim Giang có ngôi chùa Diên Phúc ở ven đường bờ sông Tô Lịch, là chùa chung của ba làng Lủ, nên thường gọi là chùa Lủ. Xưa kia, chùa tọa lạc trên một khu đất giáp ranh hai thôn Kim Lũ và Kim Văn, đến khoảng giữa thế kỷ XVIII mới chuyển đến vị trí hiện nay, là nơi “đắc địa”. Chùa có kiến trúc đẹp với nghệ thuật kiến trúc thời Lê, có trên 50 pho tượng quý từ thế kỷ XVII, XVIII. Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cùng với đình năm 1989.

Đình làng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, thờ Từ Vinh là thân sinh Từ Đạo Hạnh - nhân vật nổi tiếng thời Lý. Tương truyền, khi Từ Vinh bị sư Đại Điên giết chết, chặt làm ba khúc rồi quảng xuống sông Tô Lịch. Thuận dòng nước, đầu trôi về làng Mọc, mình trôi về tận làng Pháp Vân (phường Hoàng Liệt), còn chân lại dạt về làng Lủ Cầu. Làng nào vớt được gì thì thờ, nên có câu : “Làng Mọc thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ khúc giữa. Ngoài ra, đình còn thờ Mạo Giáp Hoa, người huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, sống dưới triều Vua Lê Anh Tông (1557 - 1573). Ông vốn là một nhà giáo, khi có loạn, được triều đình giao phái đi dẹp giặc ở Sơn Tây. Giặc tan, trên đường trở về đến Lủ Cầu thì bỗng nhiên vô bệnh mà chết. Triều đình thương tiếc, ban sắc cho dân Lủ Cầu thờ làm Phúc thần. Ngoài ra, làng còn đền Mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền, đền Mẫu ở Lủ Cầu là nơi thứ hai Liễu Hạnh giáng trần (nơi đầu tiên là phủ Tây Hồ).

Ngày nay, Kim Giang đã trở thành phố phường đông đúc.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Kim Giang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.