(HNM) - Nếu như năm 1995, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) mới có 2ha trồng hoa thì đến nay cả xã đã có 236ha. Ở Mê Linh hầu hết các hộ dân đều trồng và buôn bán hoa. Hoa ở ngoài đồng, hoa trong vườn nhà đều phủ kín khiến làng quê nơi đây lúc nào cũng rực rỡ sắc màu và đem lại đời sống ấm no cho nhân dân.
Nông dân huyện Mê Linh thu hái hoa. Ảnh: Thái Hiền |
Mê Linh chính là vựa hoa của TP Hà Nội.
Trong số 236ha trồng hoa thì hoa hồng và hoa cúc chiếm vai trò chủ đạo. Ngoài ra, nông dân Mê Linh còn trồng một số loại hoa khác như: Ly, loa kèn, mẫu đơn, lay ơn... Gặp anh Nguyễn Văn Tám đang chăm sóc ruộng hoa hồng trên đường vào xã, anh cho biết: Gia đình có 2 mẫu hoa, mùa này, trồng chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc. Anh đang chuẩn bị nhập giống ly để trồng vụ Tết. Ngoài trồng hoa ở làng, anh Tám còn thuê thêm 1ha ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) để trồng hoa hồng, hoa ly.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh Nguyễn Văn Bảy nhớ lại: Hơn 20 năm trước, khi những hộ đầu tiên ở xã gieo giống hoa hồng Đà Lạt xuống cánh đồng toàn lúa, nhiều người đã quan tâm tìm hiểu. Từ một vài hộ trồng rồi người dân học tập làm theo. Bây giờ, chỉ riêng hoa hồng cũng có hàng chục giống, trong đó có các giống hồng Italia, Pháp, Hà Lan. Giờ thì người Mê Linh đã thành thạo kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa. Nhiều hộ còn mạnh dạn đưa vào trồng các giống hoa mới. Anh Nguyễn Văn Chung đã chuyển từ trồng hoa hồng, hoa cúc truyền thống sang các giống hoa có nguồn gốc từ Thái Lan như hoa bầu, hoa Rupinét, Zupini... “Giống hoa này rất đắt, chi phí chiếm 50% giá thành nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với hoa truyền thống” - anh Chung cho biết.
Không chỉ là "vựa" hoa của thành phố, xã Mê Linh còn có khoảng 50 hộ dân lên Sơn La, Lào Cai để thuê đất trồng hoa với diện tích 80ha, tập trung đông nhất ở thôn Hạ Lôi. Theo anh Nguyễn Văn Xuân ở xóm Chợ, Sơn La có đất đai rộng, khí hậu mát mẻ nên hoa trồng quanh năm, năng suất ổn định hơn.
Ngoài trồng hoa, cả xã còn có 700-800 hộ chuyên thu gom hoa đi khắp các tỉnh bán buôn, bán lẻ. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh Nguyễn Văn Bảy cũng có mối tiêu thụ hoa ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai. Mỗi ngày, vợ chồng ông Bảy thu gom hàng nghìn bông hồng, cúc, ly rồi gửi xe khách cho khách hàng các tỉnh.
Không chỉ giàu kinh nghiệm trồng hoa, người Mê Linh còn liên kết với nhau trong sản xuất. Xã đã thành lập được 1 câu lạc bộ hoa cây cảnh; 3 câu lạc bộ nông dân giúp nhau phát triển kinh tế hoạt động rất hiệu quả. Hằng năm, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các công ty cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng cách. Hội cũng đứng ra tín chấp với các ngân hàng cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với dư nợ 4-5 tỷ đồng để giúp người nghèo sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, do diện tích trồng hoa lớn, thâm canh lâu năm nên sâu bệnh phát triển mạnh, phải dùng thuốc trừ sâu nhiều. Bà con đã nhận ra tác hại của thuốc trừ sâu hóa học đối với sức khỏe và môi trường nên chuyển sang dùng thuốc trừ sâu sinh học. “Chúng tôi chấp nhận thuốc trừ sâu sinh học đắt hơn 2 đến 3 lần so với thuốc trừ sâu hóa học, nhưng chủng loại và tác dụng trị bệnh của thuốc này vẫn chưa cao. Bà con đề nghị Nhà nước tăng cường nghiên cứu để có nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất sạch” - ông Bảy cho biết thêm.
Hơn nữa, do đô thị hóa, công nghiệp hóa nên việc tiêu thoát nước rất chậm. Cây hoa ngập nước một đến hai ngày là ảnh hưởng đến chất lượng khiến người dân chăm sóc phục hồi rất vất vả. Vì vậy, bà con đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ hạ tầng sản xuất nông nghiệp tốt hơn để người làng hoa yên tâm sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.