Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Hạ Đình ­

LANHUONG| 19/09/2006 07:17

(HNMĐT) - Làng Hạ Đình (tên Nôm là Mọc Cựu) nằm kề cận đường Lai Kinh (đường Thiên lý từ phía Tây vào Kinh đô Thăng Long, tức Quốc lộ 6 hiện nay) về phía Đông...

Đầu thế kỷ XIX, Hạ Đinh cùng với làng Thượng Đình nằm xã Nhân Mục Cựuthuộc tổng Khương Đình huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; từ năm 1831, thuộc tỉnh Hà Nội. Khoảng giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, Thượng Đình tách thành xã độc lập, sang thế kỷ XX, lại nhập với Hạ Đình thành xã Nhân Mục Cựu.

Năm 1915, xã Nhân Mục Cựu thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, đến năm 1942 thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Hạ Đình cùng với Thượng Đình nằm trong xã Thượng Đình. Trong kháng chiến chống Pháp, xã này nhập với xã Tam Kim (Kim Lũ, Kim Giang và Kim Văn) thành xã Kim Đình huyện Thanh Trì. Tháng 5 - 1956, làng Hạ Đình cùng với Thượng Đình được nhập vào xã Nhân Chính (quận VII).

Năm 1961, hai làng Hạ Đình và Thượng Đình (gọi chung là thôn Hạ Đình) lại được nhập vào xã Tam Khương (sau đổi thành Khương Đình) thuộc huyện Thanh Trì.

Vào đầu thập kỷ 60, phần lớn đồng ruộng của làng Hạ Đình được thu lại để xây dựng các nhà máy xí nghiệp và khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên của cụm công nghiệp Thượng Đình (nay đã trở thành phường Thượng Đình).

Đầu năm 1997, thôn Hạ Đình (gồm cả Thượng Đình) được tách khỏi xã Khương Đình để trở thành phường Hạ Đình thuộc quận Thanh Xuân.

Làngcó ba xóm là : Trên, Trại Hồng Lở, sau xóm Hồng Lở lại chia thành hai xóm Hồng và Lở. Trai đinh trong làng sinh hoạt trong 4 giáp. Tiệc, Đông Trung, Trung Nhất Lê. Năm 1928, làng có 932 nhân khẩu.

Thời phong kiến, làng Hạ Đình cũng nổi tiếng là đất học với 7 người đỗ Tiến sĩ là : Lê Đình Dự (đỗ năm 1643),Lê Đình Lại (con Lê Đình Dự, đỗ năm 1646), Trương Thời (đỗ năm 1721), Lê Hoàng Tuyên (đỗ năm 1724), Lê Đình Diên (đỗ năm 1849, Nguyễn Khuê (đỗ năm 1889) và Lê Đình Xán (Phó bảng năm 1901). Làng còn có 5 người đỗ Tiến sĩ võ dưới thời Cảnh Hưng (1740 - 1787) là Lê Thế Quýnh (đỗ 1752), Lê Thế Trâm (1763) Lê Thế Siêu, Lê Thế Định (con của Lê Thế Quýnh) và Lê Đình Cẩn đều đỗ năm 1776.

Ngoài các Tiến sĩ văn - võ, làng Hạ Đình còn có 14người đỗ Hương cống thời Lê, trong đó họ Trương có 8 người (có 5 anh em ruột của đời thứ 3), họ Nguyễn có 3 người. Thời Nguyễn, làng có 11 Cử nhân. Trong số họ, nổi tiếng có Đặng Trần Côn, tác giả của cuốn “Chinh phụ ngâm”; Cử nhân Lê Đức Hoạt (1890 - 1950) là đồng tác giả của cuốn Lịch thế kỷ, sau Cách mạng Tháng Tám, ông được Hồ Chủ tịch giao soạn thảo các bức thư gửi viên Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch.

Làng Hạ Đình hiện còn ngôi đình gọi là đình Vòng) ở ngay ven đường, nhìn ra sông Tô Lịch, thờ hai vị thuỷ thần không rõ tên.Hội làng 3 năm một lần, vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, diễn ra từ mồng 2 đến mồng 6 tháng Hai, có tục rước và thi xôi gà. Cứ 12 năm một lần, làng mở hội chung với 6 làng Mọc khác.

Trong ngõ 236 đường Khương Đình hiện còn ngôi nhà thờ của họ Nguyễn Huy- là họ của Tiến sĩ Nguyễn Khuê và nhiều Hương cống, Cử nhân. Ngày nay, dòng họ này có 4 người có học hàm, học vị.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Hạ Đình ­

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.