Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng gốm Giang Cao

Nguyễn Thu Thủy| 21/03/2010 06:28

Kế nghiệp Lý triều an đất Bắc Thanh bình muôn thuở cõi trời Nam.


Đôi câu đối rất ý nghĩa tại đình làng Giang Cao là một bằng chứng lịch sử về sự hình thành lâu đời của làng từ thời Lý. Trước kia làng có tên gọi là Đông Sáng, sau đổi thành Đống Cao. Vào thời nhà Nguyễn trước đời vua Ưng Đường hiệu Đồng Khánh (1885-1888), được đổi thành Giang Cao. Năm 1948, xã Bát Tràng (thuộc tổng Đông Dư) sáp nhập với xã Giang Cao (thuộc tổng Đa Tốn) và xã Kim Lan thành xã Quang Minh. Năm 1958 do việc đào sông Bắc Hưng Hải ngăn cách, nên tách trở lại xã Kim Lan và xã Quang Minh gồm hai làng Giang Cao và Bát Tràng. Đầu năm 1965, xã Quang Minh được đổi tên là xã Bát Tràng cho đến ngày nay.

Làng Giang Cao có 6 xóm đánh số từ 1 đến 6. Người dân trong làng luôn tự hào với các công trình văn hóa lịch sử như đình, chùa Tiêu Dao, Miếu Bản, Văn Chỉ... Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, đình làng được xây dựng cách đây hơn 600 năm, hiện nay còn lưu giữ được 9 bản sắc phong từ đời Vĩnh Khánh thứ II đến đời Khải Định. Đình được công nhận xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Khu Văn Chỉ ghi tên các vị khoa bảng, đỗ đạt như cụ Nguyễn Văn Bính chánh tiến sĩ làm quan đến chức Thị lang, cụ Lương Công Bật, đỗ hương cống làm quan đến chức Hiệu lý Hàn lâm viện...

Hoàn thiện sản phẩm tại làng gốm Giang Cao. Ảnh: Huy Kiên

Từ bao đời nay, người dân làng Giang Cao luôn chịu thương chịu khó, chăm chỉ lao động và giỏi buôn bán. Họ làm nhiều nghề: làm ruộng, nghề mộc, làm gạch, ngói và làm gốm sứ. Nghề làm gốm sứ đã có từ lâu và hiện là nghề chính của làng. So với lịch sử làm gốm của Kim Lan (800 năm) và làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao tuổi nghề còn trẻ, nhưng phải công nhận rằng sự năng động và sức bật vào nghề của họ có phần trội hơn. Theo các cụ kể lại, từ nhiều năm trước, người dân làng Giang Cao chủ yếu đi làm thuê cho các lò gốm ở làng Bát Tràng. Thời Pháp thuộc, năm 1941, ông Phán Sồ đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm sứ Ngọc Quang tại khu vực xóm 4 hiện nay, được coi là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao. Ông Đặng Đình Túc, nguyên Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: "Năm 1961, Giang Cao ra đời tổ sản xuất Hợp Lực và Trí Thành, mỗi tổ có khoảng 20 người. Tháng 5-1962, sáp nhập với nhau thành hợp tác xã Hợp Thành. HTX đã xây được lò gốm với 5 bầu, sản lượng mỗi năm từ bảy trăm nghìn đến hơn chín trăm nghìn sản phẩm, chất lượng tốt, xuất khẩu sang nhiều nước như Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Thụy Điển, Nhật Bản... HTX Hợp Thành được Chính phủ giao nhiệm vụ sản xuất bát lá sen, chậu cảnh trồng cây ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được làm lọ hoa rạn, đắp nổi dâng chúc thọ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Năm 1976, HTX được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba".

Thuận lợi lớn của Giang Cao là địa bàn rộng, giao thông thủy bộ thuận tiện cho việc giao thương. Từ những năm 1990, hàng loạt các phòng trưng bày gốm của Giang Cao mở ra đã thu hút đông đảo khách tham quan du lịch và người mua hàng, trong đó có nhiều nhà nhập khẩu lớn đến từ các châu lục. Giang Cao vươn lên trở thành một làng gốm giàu có với những tòa nhà khang trang và xưởng gốm quy mô lớn. Làng có 6 xóm với 980 hộ dân, trong đó có 41 công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và 774 hộ tham gia sản xuất gốm sứ. Ông Túc cho biết: "Mặc dù kinh tế thế giới những năm gần đây có những bất ổn ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu, nhưng sản phẩm gốm sứ ước tính theo quy đổi của làng luôn chiếm trên 55% tổng sản phẩm của xã Bát Tràng. Năm 2008, cả làng làm ra hơn 19,2 triệu sản phẩm, giá trị tổng sản lượng chiếm 88,5% thu nhập của cả làng".

Sản phẩm gốm sứ Giang Cao với nhiều chủng loại đa dạng, nhiều màu sắc, chất lượng độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc, nhiều dòng gốm đang thu hút sự chú ý của khách hàng trong và ngoài nước như gốm men giả đá, men rạn, men co, men ngọc... được thể hiện trên các loại sản phẩm như lọ hoa, tượng, con giống, mảng tranh gốm, đồ thờ... Đặc biệt một số cơ sở sản xuất gốm của làng chuyên sâu vào lĩnh vực gốm ứng dụng trong kiến trúc và mỹ thuật. Công ty Gốm sứ Quang Minh là cơ sở sản xuất cung cấp nguyên liệu gốm phục vụ dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Công ty Gốm sứ Thanh Hải và một số đơn vị khác cung cấp sản phẩm gạch hoa, con tiện, ngói gốm, ngói sành... để phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Cố đô Huế, khu chùa Bái Đính Ninh Bình. Bộ tam đỉnh Vĩnh Truyền được UBND thành phố tuyển chọn trưng bày dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngày 26 tháng Giêng năm 2010, làng Giang Cao chính thức được UBND thành phố Hà Nội trao bằng công nhận đạt danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội cùng với 15 làng nghề khác. Rằm tháng Hai âm lịch tới Hội làng Giang Cao sẽ được tổ chức linh đình để đón nhận và công bố tấm bằng vinh dự này cho đông đảo dân làng và công chúng cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng gốm Giang Cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.