Vân Hà là một trong những làng nghề sản xuất gỗ nổi tiếng của huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc. Những năm qua, làng nghề này chuyển mình rõ nét, sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghề gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này.
Những sản phẩm OCOP 3, 4 sao
Đến Vân Hà ngày này là cảnh tấp nập những chuyến xe chở hàng vào - ra, những “dãy phố” bán hàng sầm uất minh chứng cho sự phát triển của làng nghề.
Tại cửa hàng trưng bày sản phẩm của Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng (xã Vân Hà) Đỗ Văn Cường, sản phẩm tượng gỗ, bàn ghế… rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp. Theo ông Cường, từ một xã thuần nông, sẵn nghề làm gỗ truyền thống, người dân Vân Hà đã “biến” thành thế mạnh này để phát triển kinh tế. Hiện, sản phẩm đồ gỗ Vân Hà đa dạng về chủng loại từ nội thất (tủ, đồ thờ, bàn ghế các loại) đến các bức tượng, tranh phù điêu... Các mặt hàng được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Sản phẩm gỗ Vân Hà có tính cạnh tranh, một số sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo cho biết, đến nay, nghề gỗ góp phần quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Hiện, toàn xã có 60% số hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và làm nghề chạm khắc gỗ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được phân bố tại 5 thôn trong xã. Đặc biệt, xã có 14 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội công nhận; 48 thành viên là đại diện các hộ sản xuất và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn… Tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Vân Hà có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao.
Chia sẻ về sự phát triển của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền ở thôn Thiết Úng cho hay, nghề gỗ mỹ nghệ Vân Hà xuất phát từ thôn Thiết Úng. Trải qua hàng trăm năm phát triển, cha truyền con nối, đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng dần tạo được thương hiệu trên thị trường với những nét đặc trưng riêng. Dù đến nay, hầu hết cơ sở đều đầu tư máy móc trong sản xuất song có những tác phẩm chỉ có đôi tay nghệ nhân mới tạo nên.
Giữ nghề, phát triển nghề
Trong lộ trình xã lên phường, Vân Hà là 1 trong 3 xã của Đông Anh được tập trung đầu tư phát triển, tạo trục động lực của huyện trong lộ trình thực hiện xây dựng Đông Anh thành quận. Xã đang tập trung thực hiện Bộ tiêu chí hợp nhất Đề án đầu tư xây dựng xã thành phường, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo nguồn lực cho làng nghề phát triển.
Đặc biệt, Vân Hà nằm trên tuyến đường trục kinh tế phía Đông của huyện Đông Anh - tuyến đường huyết mạch thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và thương mại dịch vụ. Để thúc đẩy làng nghề phát triển tầm cao mới, Đông Anh đã quy hoạch, phát triển chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, khu sản xuất, trưng bày sản phẩm…
Song, bên cạnh yếu tố thuận lợi, làng nghề gỗ Vân Hà đang đối mặt với nhiều thách thức về không gian sản xuất, môi trường làng nghề, chiến lược truyền nghề cùng mặt bằng dành cho khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm...
Để hòa nhập xu thế phát triển, làng nghề gỗ Vân Hà chủ động có nhiều giải pháp giữ nghề và phát triển nghề. Các hộ sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thiết kế mẫu sản phẩm phong phú, phù hợp nhu cầu, thị hiếu khách hàng; tăng cường tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tham gia các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thi thiết kế mẫu sản phẩm du lịch thành phố Hà Nội và quốc gia.
Ngoài ra, làng nghề còn tổ chức các hoạt động định hướng, truyền dạy nghề tại chỗ cho thế hệ trẻ song song với học văn hóa tại các trường trên địa bàn. Làng nghề cũng chú trọng đẩy mạnh công nghệ 4.0 trong thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội...
Về sự phát triển làng nghề gỗ Vân Hà nói riêng và các làng nghề truyền thống của huyện nói chung, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, để tiếp tục phát huy lợi thế từ làng nghề truyền thống, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế địa phương, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận.
Ngoài ra, huyện tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất, thúc đẩy phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Qua đó, tạo điều kiện cho người làng nghề có thu nhập tốt hơn, đồng thời tăng nguồn lực cho Đông Anh vững bước trên lộ trình trở thành quận phát triển của Thủ đô...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.