Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Gia Thuỵ

TUYETMINH| 01/11/2005 14:43

(HNMĐT) - Làng Gia Thụy (còn có tên là Gia Thị, tên Nôm là Chợ Da) vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một xã đứng đầu của tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh).

(HNMĐT) - Làng Gia Thụy (còn có tên là Gia Thị, tên Nôm là Chợ Da) vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một xã đứng đầu của tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Toàn Thắng - một xã rộng lớn của huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Sau Cải cách ruộng đất, xã Toàn Thắng được chia thành 11 xã, trong đó có xã Tiến Bộ thuộc Quận VIII ngoại thành Hà Nội. Đến tháng 5 - 1961 xã Tiến Bộ trở thành đơn vị hành chính của huyện Gia Lâm. Năm 1965, xã đổi tên thành Gia Thụy. Từ cuối tháng 11 - 2004, xã Gia Thụy được chuyển một thành phường của quận Long Biên mới được thành lập.

Gia Thụy nằm ven Quốc lộ 5. Đây chính là con đường Thiên lý từ Thăng Long xuống Hải Dương. Gia Thụy lại nằm sát làng Gia Quất là điểm để Nhà nước phong kiến các thời đặt nhà trạm nhận và chuyển công văn giấy tờ, hộ tống các quan từ Thăng Long đi các địa phương bên bờ Bắc sông Hồng và ngược lại, nên xưa kia có nhiều người chuyên gồng gánh thuê trên các đường cái quan, bên cạnh nghề chính là cấy lúa, trồng các loại hành tỏi, các loại rau bán cho Thăng Long và bán buôn cho những người buôn chuyến xuống phía Đông (Hải Dương).

Gia Thụy từ xưa có một số người đỗ trung khoa. Cuối thời Lê có ông Nguyễn Đình Tư đỗ Hương cống, làm Tri huyện, sau đó cáo quan về dạy học, có nhiều học trò đỗ, lại giỏi nghề thuốc, gọi là Nho y tiên sinh. Tuy nhiên lại có một số Hương cống mang tư tưởng trung quân mù quáng như Nguyễn Viết Thảng làm Tri huyện Yên Dũng, đã hộ giá Lê Chiêu Thống chạy khỏi Kinh thành Thăng Long (năm 1786); Nguyễn Huy Đào cũng thủ tiết. không ra làm quan với Tây Sơn.

Thời Nguyễn, làng Gia Thuỵ có 4 người đỗ Cử nhân là : Nguyễn Gia Tuyển - đỗ khoa Quý Mão đởi Vua Thiệu Trị (năm 1843), làm Đốc học Thanh Hóa; Vũ Công Tốn - đỗ khoa Mậu Tý đời Vua Minh Mạng (năm 1828), làm Tri huyện; Nguyễn Văn Kiêm - đỗ khoa ?t Mão đời Vua Tự Đức (năm 1855), làm Tri huyện ; Nguyễn Văn (1858 - ?) - đỗ khoa Giáp Ngọ đời Thành Thái (năm 1894). Trước đây làng có Văn chỉ gọi là Linh Quang từ chỉ. 

Ngoài những người theo ngạch văn, làng Gia Thụy còn có nhiều người theo đuopỏi ngạch võ, tiêu biểu là Nguyễn Đình Khuê. Theo văn bia Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727), Lại bộ Tả Thị lang Nguyễn Vĩ soạn. còn ghi thì Nguyễn Đình Khuê làm đến Đô đốc, tước Long Thọ hầu, là người có đức độ, dân trong vùng đều mến mộ, làm quan trải 3 triều, có nhiều công tích và được triều đinh trọng vọng. Ông đã cúng cho làng 2450 quan tiền, 4 dật bạc, 10 mẫu ruộng làm ngôi đình ngói 5 gian, xà cột đều dùng gỗ lim, gỗ hồng tâm. Dân tạc bia để cúng giỗ.

Thời phong kiến và thời Pháp thuộc, làng Gia Thụy có nhiều người làm nha lại trong các công sở Nhà nước.

Làng Gia Thụy thờ 4 vị thần là : Trung Thành, Đống Lương, Trung Vinh và vị nữ thần Quý Lương, tương truyền là 4 vị tướng có công giúp Vua Thục An Dương Vương đánh Triệu Đà, trên đường rút quân từ Cổ Loa qua làng Hoa Lâm (nay thuộc xã Mai Lâm) đến đầu làng Gia Thụy thì hóa, cạnh một ao nước là ao Voi Đống, sau dân lập đền thờ tại đó. 

Làng Gia Thụy có vinh dự lớn là vào dịp giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu (1957), được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Gia Thuỵ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.