Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Gia Quất

TUYETMINH| 20/12/2005 11:41

(HNMĐT) - Làng Gia Quất vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Toàn Thắng - một xã rộng lớn của huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

(HNMĐT) - Làng Gia Quất vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Toàn Thắng - một xã rộng lớn của huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cải cách ruộng đất, xã Toàn Thắng được chia thành 11 xã, trong đó có xã Thượng Thanh thuộc Quận VIII ngoại thành Hà Nội.

Đến tháng 5 - 1961 xã Thượng Thanh lại trở thành đơn vị hành chính của huyện Gia Lâm. Cuối năm 1982, một phần xã Thượng Thanh được tách ra để thành lập thị trấn Đức Giang. Từ cuối tháng 11 - 2004, xã Thượng Thanh được chuyển một thành phường của quận Long Biên mới được thành lập.

Gia Quất nằm ven Quốc lộ 1 A. Đây chính là con đường Thiên lý từ Thăng Long qua trấn (tỉnh) Bắc Ninh lên Lạng Sơn để sang Trung Quốc. Gia Quất là điểm để Nhà nước phong kiến các thời đặt nhà trạm nhận và chuyển công văn giấy tờ, hộ tống các quan từ Thăng Long đi các địa phương bên bờ Bắc sông Hồng và ngược lại. Nếu tính từ Thăng Long đi thì Gia Quất là trạm đầu tiên, còn nếu tính đường về Thăng Long thì đây là trạm cuối cùng.

Vì thế, Gia Quất chiếm một vị trí rất quan trọng, nhất là trong việc đón, tiễn các đoàn sứ bộ của các vương triều Trung Quốc sang nước ta. Các đoàn sứ bộ của Trung Quốc đều dừng lại ở đây để được đón tiếp “sơ bộ” trước khi vào Thăng Long, nhờ đó mà các vương triều Việt Nam có kế hoạch đón tiếp, thậm chí đối phó ở Thăng Long. Nhiều cuộc tiễn đưa sứ bộ Trung Quốc từng diễn ra ở nhà công quán Gia Quất. Vào tháng Giêng năm Giáp Tý (1804), sứ nhà Thanh là Tề Bố Sâm sang tuyên phong và trao sắc, ấn cho Vua Gia Long, công nhận chủ quyền của nước ta sau khi nhà Thanh đã bị đại bại trong cuộc xâm lược nước ta 15 năm trước đó. Sau lễ tuyên phong tại hành cung Thăng Long, Vua Gia Long đặt tiệc ở công quán Gia Quất để mời sứ Thanh. Tại đây, Gia Long tặng sứ Thanh phẩm vật, Tề Bố Sâm nhận và cũng tặng lại phẩm vật. Công việc xong xuôi, sứ Thanh lên đường về nước.

Do đặc điểm là nơi đặt “công quán”, nhà trạm nên Gia Quất là nơi hội tụ của nhiều thành phần cư dân. Dọc đường Thiên lý qua địa phận làng Gia Quất xưa có nhiều cửa hàng, cửa hiệu để phục vụ khách qua đường. Đặc biệt, có cả một số người Trung Quốc đến sinh sống tại làng, thường thuê người làng làm các công việc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước Cách mạng Tháng Tám, dân số của Gia Quất thuộc loại trung bình (960 người).

Trong số những người Trung Quốc sống ở Gia Quất, một số người lấy vợ Việt và có những đóng góp xây dựng các công trình công cộng của làng. Bia “Tự sự bi ký” do Dương Hạo - Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640), giữ chức Bồi tụng, Lại bộ Tả Thị lang, tước Diên Lộc bá soạn năm Cảnh Trị thứ chín (1671), ghi việc ông Trần Quý công, tên thuỵ là Chân Phúc, người nước Minh, sống hào phóng, quân tử, bỏ tiền cho quê vợ mua ruộng lưu truyền về sau. Nhân năm Đinh Mùi (1667), ông hiến cho làng Gia Quất 38 dật bạc để chuộc lại 12 mẫu 5 sào ruộng, nên dân làng tôn ông làm Hậu Thần. Bia Hậu thần bi ký do Hoàng giáp, nguyên Tham tụng nhà Lê Bùi Huy Bích soạn năm Kỷ Tỵ (1809) ghi việc ông Trình Công người Quảng Đông lấy vợ là bà Hoàng Thị Cố - người làng Gia Quất. Bà Cố và con gái là Trưởng nữ Trình Thái Vinh, cúng 150 quan tiền cổ để làng tu sửa đền thờ thần, bà lại cúng 3 mẫu ruộng làm hương hỏa nên cả hai người được tôn làm Hậu thần.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Gia Quất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.