(HNMĐT) - Làng Dục Tú tên Nôm là Kẻ Giếc, vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một xã đứng đầu tổng Dục Tú (gồm 4 xã) thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, cả 4 xã của tổng Dục Tú được nhập thành một xã thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 5 - 1961 xã trở thành đơn vị hành chính của huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
![]()
(HNMĐT) - Làng Dục Tú tên Nôm là Kẻ Giếc, vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một xã đứng đầu tổng Dục Tú (gồm 4 xã) thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, cả 4 xã của tổng Dục Tú được nhập thành một xã thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 5 - 1961 xã trở thành đơn vị hành chính của huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Dục Tú nằm ven sông Hoàng Giang, kề cận với làng Cổ Loa về phía Đông, nên có nhiều điểm chung với Cổ Loa trong tiến trình lịch sử. Những vết tích văn hóa cổ có niên đại trên 3500 năm trước đây phát hiện trong vùng đất Cổ Loa còn mang ý nghĩa và giá trị cho Dục Tú và các làng kề cận. Khi Cổ Loa là Kinh đô của nước Âu Lạc thời Thục An Dương Vương (năm 257 - 208 trước Công nguyên) và thời Ngô Quyễn (năm 944 - 965), Dục Tú là đất phụ cận của Kinh đô. Theo lưu truyền dân gian thì Ngô Vương Quyền kết hôn với một cô gái cắt cỏ người họ Đỗ ở làng Dục Tú, song bà phi họ Đỗ này không có con, được Ngô Vương cho về nhà và cho được thả một quả bưởi (có thuyết nói một thúng trấu) xuống sông Hoàng Giang, để bưởi (hay trấu) trôi từ Dục Tú xuống Cổ Loa. Bưởi (trấu) trôi đến đâu, đất đai thuộc về Dục Tú đến đó. Cuối cùng, bưởi dừng lại ở gốc đa ven thành Nội Cổ Loa. Vì thế mới có câu “ Chợ Sa của Cổ Loa, cây đa của Dục Tú”. Đây là đầu mối tranh chấp 50 mẫu đất ven thành Nội và khu đất chợ giáp ranh hai làng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII được ghi lại trong văn bia hiện còn lưu trong nhà bia Cổ Loa. Đền thờ bà phi họ Đỗ ở gần khu vực Cầu Tây (làng Dục Tú) trước đây (đã bị hủy hoại) cùng một đôi câu đối nói về cuộc hôn nhân này còn lưu tại nhà thờ họ Đỗ ở xóm Hậu là minh chứng cho truyền thuyết về cuộc hôn nhân giữa Ngô Vương Quyền.
Làng Dục Tú trước đây có 3 xóm : Hậu, Tiền và Phủ. Trong làng có họ Chu xoa tiếng về văn học; có ông Chu Nguyên Mại (hay Chu Doãn Lệ) đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng (năm 1778) khi ông 38 tuổi, làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế, Quốc Tử Giám Tùy giảng, Đông Các Hiệu thư. Sau khi nhà Lê mất (năm 1789), ông về quê ẩn dật rồi mất. Con ông là Chu Doãn Trí là người có tài văn học, nhưng không đi thi, ở ẩn tại quê nhà. Năm đầu đời Thiệu Trị (1841), Tỉnh thần Bắc Ninh đã cấp tiền để đưa ông về Kinh đô Huế gặp Vua, nhưng Chu Doãn Trí lấy cớ có bệnh, chối từ. Vua Thiệu Trị khen ông có phong cách xử sĩ (nhà trí thức ở ẩn) nên không ép, lại ban cho hoa hồng, rượu. Ông để lại tập thơ “Tạ Hiên thi tập”.
Thời Nguyễn, làng Dục Tú có 5 người đỗ Hương cống, Cử nhân là Đào Đình Nghiễm - đỗ khoa Tân Tỵ đời Vua Minh Mạng (năm 1821), làm quan Huấn đạo; Nguyễn Huy Tân - đỗ khoa Đinh Mùi đời Vua Thiệu Trị (năm 1847), làm quan đến chức Ngự sử, chết trận trong khi đánh dẹp các toán cướp ở Bắc Ninh năm 1862; Nguyễn Huy Nhuận - đỗ khoa Tân Mão đời Thành Thái (1891); Đỗ Đức Đạt (1869 - ?) - đỗ khoa Giáp Ngọ đời Thành Thái (năm 1894); Nguyễn Huy Túc (1869 - ?) - đỗ khoa Canh Tý đời Thành Thái (năm 1900).Truyền thống học hành thành đạt của cha ông vẫn được con em ngày nay phát huy.
TS. Bùi Xuân Đính