Xã Du Lâm xưa vốn là làng Du Lâm, dân trong vùng gọi là “Cói Ao dài”. Thế kỷ XVII, làng chia thành 2 làng (thôn) là Du Nội (ở trong sông) và Du Ngoại (ngoài sông). Sau, Du Nội lại chia thành Du Nội và Du Bi. Xã thuộc tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1961 cắt chuyển về Hà Nội.
Xã Du Lâm xưa vốn là làng Du Lâm, dân trong vùng gọi là “Cói Ao dài”. Thế kỷ XVII, làng chia thành 2 làng (thôn) là Du Nội (ở trong sông) và Du Ngoại (ngoài sông). Sau, Du Nội lại chia thành Du Nội và Du Bi. Xã thuộc tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1961 cắt chuyển về Hà Nội.
Do sông Đuống đổi dòng nên vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, làng Du Bi bị lở xuống, cư dân phải di chuyển sang các làng Du Nội và Du Ngoại. Nay các làng này thuộc xã Mai Lâm (Đông Anh). Làng xã Du Lâm thờ 3 vị thần là Phật Kim (tức Lý Chiêu Hoàng), vị vua cuối cùng của nhà Lý, Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông)- vị vua đầu tiên của nhà Trần và “Trần triều trung quân Đốc khánh đại vương” còn gọi là Đức Thái tử, Hoài Đức vương, từng theo Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên - Mông, lập được nhiều chiến công. Hội lệ chính hàng năm tổ chức vào các ngày từ mồng 10 đến 15 - 3, mừng thắng trận dẹp tan giặc Nguyên - Mông.
Du Lâm xưa kia cũng nổi tiếng về truyền thống hiếu học và khoa bảng. Làng Du Bi có Trần Danh Đống (1656 - ?), đỗ Tiến sĩ 1691. Làng Du Nội có 3 người đỗ đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàn (đỗ năm 1721), Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (đỗ năm 1844) và con là Tiến sĩ Nguyễn Kham (đỗ năm 1871). Dòng họ Nguyễn của làng này vốn là dòng của Hoàng giáp Nguyễn Thực (đỗ năm 1595) ở làng Đóm (Vân Điềm, xã Vân Hà cùng huyện Đông Anh) chuyển cư ra. Con cháu về sau 5 thế hệ đều nối nghiệp cha ông về học hành, khoa cử.
Người đầu tiên là Nguyễn án - đỗ Hương cống khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn (năm 1807), là tác giả của cuốn Tang thương ngẫu lục (cùng soạn với Phạm Đình Hổ), ghi lại nhiều cảnh sinh động về đời sống văn hoá - xã hội của đất nước buổi giao thời ba triều đại Lê - Trịnh - Tây Sơn. Ông có 2 người con đỗ Hương cống (Nguyễn Tống Siêu, Nguyễn Chi Hoàn cùng đỗ năm 1813) là thế hệ thứ 2 thành đạt.
Thế hệ thứ 3 làm cho họ Nguyễn Du Lâm thêm rạng rỡ là các con của Nguyễn Chi Hoàn, gồm Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản hay Nguyễn Văn Phú (1822 - 1890, đỗ năm 1844, được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, làm quan đến Lại bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện, kiêm quản bộ Lễ và Quốc Tử Giám . Anh và em của ông là Nguyễn ý và Nguyễn Năng ái cùng đỗ Cử nhân năm 1850.
Thế hệ thứ tư là bốn người con Nguyễn Tư Giản : Nguyễn Kham (1844 - ?, đỗ Tiến sĩ năm 1871), Nguyễn Cơ, Nguyễn Tấn Cảnh, Nguyễn Tốn Khải (lần lượt đỗ Cử nhân vào các năm 1876, 1886, 1900). Nguyễn Cẩn (con Nguyễn Năng ái) đỗ năm 1879. Thế hệ thứ 5 có Nguyễn Doãn Thạc (con Nguyễn Cơ) đỗ Cử nhân năm 1897.
Ngoài ra họ Nguyễn Du Lâm còn có nhiều người đỗ Tú tài. Vào thời Nguyễn, ở vùng châu thổ Bắc Bộ, ít có dòng họ thành đạt về khoa bảng như họ Nguyễn Du Lâm.
Thời cận, hiện đại, dòng mạch của họ Nguyễn Du Lâm vẫn không bị ngắt quãng. Nguyễn Triệu Luật - nhà văn với nhiều tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn như Bà Chúa Chè, Loạn Kiêu binh, Ngược đường Trường Thi. Nguyễn Thuỷ Tạo - cháu 5 đời Nguyễn Tư Giản là diễn viên điện ảnh Công huân, đóng phim La Légende de Bà Đế là một trong những phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Nguyễn Thuỷ Tuân cùng ba người con gái là những hoạ sĩ có tiếng. ở Mĩ hiện nay, các em ông Nguyễn Thuỷ Tuân là các Giáo sư có danh tiếng như Nguyễn Chí Minh (ngành Địa lý học), Nguyễn Chí Thành (Tin học), Nguyễn Chí (Sinh học). Ông Nguyễn Triệu Nam - con Nguyễn Triệu Luật cũng theo nghề viết văn của cha.
TSBùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.